Công tác xã hội trong trái tim tôi:

Cưu mang trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam

09/08/2024 07:30 GMT+7

Hai người lớn và một cô gái, thay vì an dưỡng tuổi già hay tìm công việc khác tốt hơn, lại chọn đi chăm sóc trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Hằng ngày, họ tranh thủ làm việc gia đình thật sớm rồi tất bật chạy lên Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng (H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) để chăm sóc trẻ khuyết tật. Không phải vài ngày, vài tháng mà hàng chục năm qua như thế.

Cưu mang trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hường (giữa) và các cháu khuyết tật tại Trung tâm Nghĩa Thắng

P.A

Năm 2011, Trung tâm Nghĩa Thắng được thành lập để chăm sóc, phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc da cam, bị khuyết tật ở các xã phía tây H.Tư Nghĩa. "Mẹ" Nguyễn Thị Hường (70 tuổi, ở xã Nghĩa Thắng) là người gắn bó với trung tâm từ ngày đầu thành lập. Bà Hường có 2 đứa cháu ngoại và chăn nuôi bò, heo. Hằng ngày, bà dậy thật sớm, tất bật nấu nướng, giặt giũ, cắt cỏ, lo nước uống cho vật nuôi, chở cháu đến trường và khoảng 6 giờ 30 có mặt ở trung tâm để chăm trẻ khuyết tật.

"Những ngày đầu tiên thành lập trung tâm, nhiều gia đình gửi con đến, có trường hợp bị khuyết tật nặng. Giờ ngủ trưa, có cháu sùi bọt mép, ngã xuống đất, tay chân giãy giụa. Hoảng hốt, tôi vội gọi điện thoại cho lãnh đạo trung tâm đến hỗ trợ. Sau đó, tôi tìm hiểu thêm qua người thân của các cháu để biết tính cách, đặc điểm từng cháu và cách chăm sóc. Phải canh chừng, dặn dò, chỉ bảo từng li từng tí để các cháu dần dần vào nếp sinh hoạt, tập luyện", bà Hường kể.

Cháu Bùi Thanh Nghĩa (11 tuổi, ở xã Nghĩa Thuận, H.Tư Nghĩa) phát triển chậm. Khi bà ngoại đưa đến trung tâm, cháu khóc suốt ngày; lúc ăn, ngủ đều dưới đất. Bà Hường và các nhân viên ở trung tâm phải bón từng muỗng cơm, tỉ tê như người mẹ. Từ ngồi dưới đất, bà Hường dỗ dành cháu đến gần bàn ăn, rồi đến ghế ngồi bên bàn ăn. Vài ngày sau, cháu Nghĩa tự ngồi vào bàn, tự cầm muỗng ăn cơm...

Hiện Trung tâm Nghĩa Thắng có 3 nhân viên, chăm sóc bán trú 15 cháu, trong đó có 9 cháu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, còn lại diện khác. Suất ăn của trẻ ở trung tâm đến nay vẫn còn èo uột, dù đã được nâng từ 8.000 đồng/suất, rồi 10.000 đồng/suất đến 12.000 đồng/suất. Từ ngày 1.1.2021 đến nay, Quảng Ngãi có chính sách hỗ trợ các em gia đình hộ nghèo, cận nghèo được 20.000 đồng/suất ăn, còn lại là 12.000 đồng/suất. Để cải thiện bữa ăn cho trẻ khuyết tật, nhân viên trung tâm phải vận động tài trợ, trồng thêm rau, củ, quả...

"Trong chiến tranh, tôi vận chuyển thư từ, tài liệu từ trạm quân bưu đến nhiều vùng khác nên chứng kiến không biết bao nhiêu lần máy bay rải chất độc da cam, tàn phá cây cối, cháy cả củ mì... Bây giờ thấy các cháu bị chất độc da cam là thương lắm, chỉ mong các cháu được sống tốt hơn", bà Hường nói.

13 năm làm việc tại trung tâm, mức thù lao của bà Hường tăng dần từ 900.000 đồng/tháng, sau đó là 1,2 triệu đồng/tháng và từ năm 2020 đến nay là 1,5 triệu đồng/tháng. Bà Hường cũng như 2 thành viên khác ở đây, nếu đi làm bảo vệ, chăn nuôi gia súc, trồng rau ở nhà... cũng kiếm được số tiền hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Thế nên, chỉ có tấm lòng nhân hậu mới kéo họ ở lại trung tâm, ăn ở, buồn vui với những đứa trẻ ngây ngô tội nghiệp.

Khi mọi việc cơm nước xong xuôi, bà Hường và một nhân viên ở đây cùng vào phòng học, ngồi hát với bọn trẻ. "Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm...", tiếng hát không rõ, ngọng nghịu của trẻ em khuyết tật vang lên thật đáng yêu. Tình thương, trách nhiệm người cha, người mẹ đặc biệt ở đây đã cải thiện, phục hồi chức năng vận động và tinh thần, giúp các em từng bước hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.