Hai cánh quân giáp công
Từ sáng sớm 17.10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dẫn đầu, chỉ huy 2 “cánh quân” cứu hộ nỗ lực chạy đua với mưa lớn, nước lũ dâng cao để tìm cách tiếp cận hiện trường thủy điện Rào Trăng 3, nơi vẫn còn 15 công nhân mất tích.
Cánh quân tiếp cận bằng đường thủy từ bến đò lòng hồ thủy điện Hương Bình (TX.Hương Trà) do ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chỉ huy; còn cánh quân đường bộ theo tuyến đường 71 từ địa bàn xã Phong Xuân (H.Phong Điền) do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Thiên Định dẫn đầu.
Lúc 10 giờ 30 phút ngày 17.10, đoàn công tác do ông Phan Thiên Định dẫn đầu đã tiến vào hiện trường sạt lở. Tuy nhiên, khi đoàn di chuyển được chừng 10 km, đến đập nước cách thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 5 km, thì phải quay lại vì mưa lớn. Nước dâng cao cuốn theo đất đá khiến các phương tiện không thể di chuyển thêm. Đoàn công tác đã vượt qua vị trí mà 13 cán bộ, sĩ quan quân đội hy sinh (khi trên đường đi cứu hộ công nhân thủy điện Rào Trăng 3). Nhưng dọc tuyến đường, trời có mưa lớn, nước tại các đập tràn dâng cao và chảy xiết đã khiến đoàn không thể đi tiếp.
Hôm nay truy điệu 13 cán bộ, sĩ quan hy sinh
Hôm nay (18.10), theo chương trình công bố của Ban lễ tang, tại Bệnh viện Quân y 268 (267 Tăng Bạt Hổ, P.Thuận Lộc, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế), từ 7 giờ đến 11 giờ, là thời gian dành cho các đoàn thể, tổ chức, cá nhân đến viếng, tiễn đưa 13 cán bộ, sĩ quan hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn sạt lở thủy điện Rào Trăng 3. Từ 11 - 12 giờ diễn ra lễ truy điệu, sau đó linh cữu của các cán bộ, sĩ quan sẽ được đưa về quê nhà để gia đình tổ chức an táng.
|
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khi theo cánh quân của tuyến đường bộ, mưa lớn và nước nguồn đổ về quá mạnh cũng khiến phương tiện cơ giới không thể hoạt động. Mặc dù vậy, lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang bám trụ, khắc phục sạt lở, thông đường tiến vào khu vực hiện trường thủy điện Rào Trăng 3.
“Các lực lượng làm nhiệm vụ với tinh thần bám sát hiện trường, quyết tâm triển khai mọi phương án tìm kiếm”, ông Nguyễn Đình Bách, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết.
|
Như Thanh Niên đã phản ánh, 2 ngày tạm ngớt mưa trước đó (14 và 15.10) đã tạo cơ hội cho lực lượng cứu hộ mở đường, tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi vùi lấp 13 cán bộ, sĩ quan quân đội ở khu vực Trạm kiểm lâm 67. Nhưng từ ngày 16.10, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế lại hứng một đợt mưa lớn, lũ dâng cao trở lại, gây khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn ở giai đoạn 2.
Công tác cứu hộ như một "cuộc chiến"
Trong khi tuyến đường bộ không thể tiến xa hơn vì mưa lũ dồn dập, thì ở tuyến đường thủy, lực lượng cứu hộ vẫn bám địa bàn để chờ cơ hội để xuất quân. Bên trong hiện trường, lực lượng bám trụ của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 vẫn tiếp tục tìm kiếm đồng nghiệp khi thời tiết thuận lợi. Chính lực lượng tại chỗ này đã tìm kiếm được thi thể nạn nhân thứ 2 vùi lấp dưới đống bùn đất hôm 16.10 và đưa lên vệ sinh bảo quản chờ lực lượng cứu hộ đến đưa về.
Một chiến sĩ CSGT đường thủy đảm trách lái ca nô chở đoàn vào sâu hiện trường thủy điện Rào Trăng 3, cho biết công tác cứu hộ bằng đường thủy ở đây giống như một “cuộc chiến”, mà giữa bộ phận vận hành nhà máy và lực lượng cứu hộ phải kết nối để hiệp đồng tác chiến, phối hợp nhịp nhàng.
“Phía thượng nguồn, khu vực lưu vực lòng hồ địa hình phức tạp. Khi mưa lớn, nước lũ dâng lên rất nhanh, buộc các đập thủy điện phải xả nước khi vượt ngưỡng của mực nước dâng bình thường, nếu không sẽ dễ gây vỡ đập. Nhiều lúc, anh em cứu hộ đang chạy thuyền khi nước cao thì thủy điện đột ngột xả lũ, thuyền có thể lập tức mắc cạn trên các mỏm đá, bãi đất giữa lòng hồ”, chiến sĩ này chia sẻ.
Trung tá Hoàng Liên Sơn, Phó trưởng Công an TX.Hương Trà, người trực chiến ở bên đò, cũng cho biết vào buổi sáng, tranh thủ khi nước trong lòng hồ còn ở ngưỡng an toàn, lực lượng cứu hộ đã xuất quân thần tốc chạy vào hiện trường.
“Sau đó, nước lũ sông bồ lên nhanh, thủy điện phải xả lũ điều tiết. Tình thế buộc lực lượng cứu hộ phải chờ đến trưa, khi mực nước trở về an toàn mới từ khu vực hiện trường quay trở lại, đưa được thi thể nạn nhân thứ 2 ra khu vực bến đò, trước khi nước dâng cao và thủy điện phải xả lũ”, trung tá Sơn nói.
|
Tại bến đò, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo Quân khu 4, lực lượng cứu hộ và xe cứu thương đã chờ sẵn. Đồng hồ chỉ 13 giờ 30, nhóm cứu hộ tiếp nhận thi thể nạn nhân và cấp tốc đưa về bệnh viện thực hiện các thủ tục pháp y…
Cuộc chạy đua với “giặc lũ” của lực lượng cứu hộ, cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3 vẫn còn rất gian nan, khi bên trong hiện trường vẫn còn 15 nạn nhân mất tích, mà mưa lũ thì vẫn bất thường, còn diễn biến phức tạp. Bên ngoài, những ông bố, bà mẹ, anh chị... của các công nhân mất tích vẫn thẫn thờ ngóng tin người thân từng phút, từng giây...
Bình luận (0)