Cứu người đàn ông bị thanh sắt đâm xuyên mông đến lưng

25/02/2025 11:44 GMT+7

Sau cú trượt chân từ độ cao 1 mét, nam công nhân N.V.T (43 tuổi, quê Trà Vinh) bị thanh sắt đâm xuyên mông đến lưng.

Ông được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị thanh sắt trụ cột bê tông có đường kính 1,2 cm đâm từ vùng đáy chậu hậu môn xuyên lên trên.

Khai thác bệnh sử, đồng nghiệp cho biết, trước đó khi đang làm việc tại công trình, ông T. đã bị té từ độ cao 1 mét xuống đất. Không may, thanh sắt ở dưới đất đã cắm thẳng từ mông của ông xuyên lên phía trên cột sống một đoạn khoảng chừng hơn một gang tay. Các đồng nghiệp của ông đã phát hiện sự việc, nhanh chóng dùng cưa sắt cắt rời đoạn sắt, đưa ông T. vào bệnh viện cấp cứu.

Ngày 25.2, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Luân, Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, TP.HCM, cho biết sau khi tiếp nhận, ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành biện pháp giảm đau tại chỗ cho người bệnh, đồng thời tiến hành chụp CT scan để xác định cụ thể tình trạng vết thương. Kết quả cho thấy, người bệnh bị thanh sắt đâm từ vùng cạnh hậu môn xuyên qua khối xương cùng cụt và đâm ra sau vùng lưng gây vỡ xương, độ sâu khoảng 25 cm.

Nhận định đây là ca bệnh cấp cứu nguy hiểm, một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa (bao gồm các khoa Cấp cứu, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại tổng quát, phẫu thuật Tim Mạch Lồng Ngực) đã diễn ra nhanh chóng để đưa ra các phương án phẫu thuật, phối hợp để đảm bảo an toàn trong quá trình rút thanh sắt ra, đồng thời bảo vệ được các cơ quan nội tạng vùng chậu cho người bệnh.

"Dị vật đâm xuyên vùng đáy chậu, đây là vị trí rất khó để định vị chính xác vùng tổn thương khi mổ. Vì vậy ca phẫu thuật đã được diễn ra với sự tham gia của các bác sĩ nhiều kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ của máy C-arm (thiết bị sử dụng tia X để định vị những vị trí giải phẫu trên cơ thể) dò tìm vị trí, hỗ trợ các phẫu thuật viên xác định vị trí đường mổ chính xác, trúng đích, nâng cao hiệu quả và tính an toàn cho ca phẫu thuật", bác sĩ Luân cho hay.

Nam thanh niên bị thanh sắt đâm xuyên mông đến lưng - Ảnh 1.

Thanh sắt sau khi được lấy ra khỏi người bệnh nhân

ẢNH: BSCC

Sau 30 phút phẫu thuật, thanh sắt đã được ê kíp lấy ra an toàn, bệnh nhân mất máu ít trong quá trình phẫu thuật. May mắn là thanh sắt đâm không làm tổn thương vùng mạch máu lớn. Sau khi lấy thanh sắt ra, ê kíp thực hiện tưới rửa vùng vết thương sạch sẽ, đặt dẫn lưu và khâu lại vết thương. Tiếp đó, bác sĩ khoa Ngoại tổng quát cũng tiến hành thám sát vùng hậu môn trực tràng để đánh giá kỹ các tổn thương khu vực này. Cũng rất may mắn là đường đi của thanh sắt không có va chạm gì với đường ruột.

Hai ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể ngồi, cử động tay chân tốt và ăn uống sinh hoạt bình thường.

Cần mang đồ bảo hộ đầy đủ khi lao động

Bác sĩ Luân khuyến cáo người lao động nên mang đồ bảo hộ lao động khi làm việc tại công trường cũng như cần tuân thủ an toàn lao động tại nơi làm việc.

"Nếu chẳng may gặp tai nạn lao động như này, sự hỗ trợ của đồng nghiệp là rất quan trọng, chúng ta cần phải biết sơ cứu đúng cách. Khi sơ cứu, cố gắng cố định tốt dị vật trong quá trình di chuyển bệnh nhân, tuyệt đối không tự ý rút thanh sắt vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Hãy nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế chuyên sâu, có đủ năng lực điều trị để được cấp cứu kịp thời", bác sĩ chia sẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.