Cứu người phụ nữ bị phản vệ vắc xin

08/01/2024 12:21 GMT+7

Sau khi tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng uốn ván, người phụ nữ 45 tuổi bị phản vệ độ 3.

Ngày 8.1, bác sĩ Phan Văn Thanh (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.T (45 tuổi, ngụ Lâm Đồng) bị phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin ngừa bệnh dại, huyết thanh kháng dại và vắc xin ngừa uốn ván.

Theo bệnh sử, bệnh nhân có tiền sử dị ứng hải sản. Dịp nghỉ lễ vừa qua, bệnh nhân từ TP.HCM về Thanh Hóa thăm quê. Ngày 1.1, bệnh nhân bị chó cắn vào bắp chân trái.

Bệnh nhân đến một bệnh viện ở Thanh Hóa để tiêm vắc xin ngừa bệnh dại, huyết thanh kháng dại và vắc xin uốn ván. Đến 18 giờ bệnh nhân tiêm xong, ổn định và về nhà.

Khoảng 20 giờ cùng ngày, bệnh nhân trở lại bệnh viện vì nổi mẩn đỏ, ngứa và được xử trí phản vệ.

Trưa ngày 2.1 bệnh nhân ổn định, xuất viện và đi máy bay vào TP.HCM. Trên máy bay, bệnh nhân xuất hiện trở lại các dấu hiệu phù mặt, khó chịu ngứa, khó thở…

Cứu người phụ nữ bị phản vệ vắc xin - Ảnh 1.

Người phụ nữ bị phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin

D.T

Khi xuống máy bay, bệnh nhân đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Lúc này bệnh nhân còn nổi mẩn toàn thân, huyết áp tụt.

Bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin ngừa bệnh dại, huyết thanh kháng dại và vắc xin ngừa uốn ván. Loại vắc xin nghi bị phản vệ là vắc xin uốn ván.

Bệnh viện truyền dịch và cho bệnh nhân dùng corticoid, kháng histamin… Ngày 5.1, sức khỏe bệnh nhân ổn định và bệnh nhân xuất viện.

Bác sĩ Thanh khuyến cáo, khi tiêm ngừa vắc xin về thì không nên đi đâu xa và cần theo dõi sát sao. Vì nếu chẳng may bị phản vệ thì cần đến ngay bệnh viện để được cứu chữa kịp thời, tránh trường hợp cấp cứu trễ, nguy cơ đe dọa tính mạng hoặc để lại di chứng nặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.