Hội thảo “Thách thức an ninh nguồn nước Mê Kông và câu chuyện ở ĐBSCL - Việt Nam” khai mạc tại Cần Thơ ngày 29.5 nhằm đưa ra góc nhìn mới về các nguy cơ an ninh môi trường do biến đổi khí hậu và tác động của các dự án vùng thượng nguồn. Hội thảo khởi đầu với việc Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ Hà Thanh Toàn cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước đồng ký tên vào thông điệp kêu gọi “Hãy chung tay cứu lấy dòng sông Mê Kông và nông dân của chúng ta”.
Hội thảo do Đại học Cần Thơ phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển, Trung tâm con người và thiên nhiên, Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam tổ chức với sự tham dự của gần 200 đại biểu, trong đó có nhiều đại diện tổ chức quốc tế, khoa học gia, lãnh đạo địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước cũng như phóng viên từ Thụy Điển, Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào.
Biến đổi chóng mặt
Tại hội thảo, tiến sĩ Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) chia sẻ những minh chứng sinh động về tình trạng sông Mê Kông đang biến đổi tiêu cực một cách chóng mặt do hậu quả từ tác động của con người vào thượng nguồn. Đó là những câu chuyện về trẻ con năm ngoái tát ao bắt cá được 10 kg còn năm nay chưa đến 2 kg, hay tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn đã gây hại cho 500.000 ha lúa nước, thiệt hại 200.000 tấn lúa và khoảng 50 triệu USD trong năm 2015 - 2016 tại ĐBSCL của Việt Nam.
|
Tiến sĩ Piman Thanapon (Thái Lan) khẳng định hơn 70% người dân ở lưu vực sông sống nhờ nông nghiệp. Đây cũng là động lực phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cũng như đảm bảo an ninh lương thực. “Tuy nhiên, mâu thuẫn đang gia tăng vì phần lớn các nước đều muốn phát triển nhờ sử dụng nguồn nước để tưới tiêu cũng như phát điện, và nhu cầu này sẽ còn tăng cao”, ông dự báo.
Trả lời Thanh Niên, ông Thanapon cho hay các dự án thủy điện và chuyển dòng chảy quy mô lớn để phục vụ tưới tiêu đang ngày càng xuất hiện nhiều ở thượng nguồn. “Rõ ràng các dự án này sẽ tác động đến sông Mê Kông, khiến dòng chảy thất thường hơn. Trong khi đó, ĐBSCL đang đối mặt với vấn đề lớn nhất là tình trạng nguồn nước khan hiếm và thất thường”, ông nói.
|
|
Việt Nam, Campuchia chịu nặng nhất
Ông Nguyễn Nhân Quảng kêu gọi các bên tiếp tục thu thập thông tin qua nhiều nguồn khác nhau để có thể phân tích về tác động của việc khai thác tài nguyên nước Mê Kông nhằm kiến nghị với giới hữu trách có giải pháp kịp thời. Trong khi đó, bà Maureen Harris, Giám đốc phụ trách Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers), kêu gọi tiêu chuẩn hóa tài liệu phục vụ quy trình tiền tham vấn của Ủy hội Sông Mê Kông về các dự án xây đập thủy điện. “Xét về tác động kinh tế thì các dự án thủy điện sông Mê Kông là tiêu cực vì thiệt hại về nguồn lợi thủy sản lớn hơn nhiều so với lợi ích từ thủy điện. Chưa kể chi phí giảm thiểu tác động xã hội và việc mất phù sa sẽ gây tác động lớn về lâu dài”, bà cảnh báo và cho biết thêm Việt Nam và Campuchia dự kiến sẽ bị thiệt hại nặng nhất.
Cũng tại hội thảo, chuyên gia Thanapon kêu gọi tăng cường hợp tác đối thoại cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là phải để những người bị ảnh hưởng tham gia vào toàn bộ quá trình quy hoạch bất cứ dự án nào trên dòng sông.
tin liên quan
Tiếng kêu cứu từ lưu vực sông Mê KôngHiện trạng sông Mê Kông đang ngày càng nguy kịch do tác động ở thượng nguồn đe dọa sự phát triển bền vững toàn khu vực.
Bình luận (0)