Cựu phó cục trưởng thuế khai là người chuyển hồ sơ sang thanh tra Thuduc House

23/04/2024 13:24 GMT+7

Cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh khai bị cáo và các công chức đã chuyển hồ sơ sang bộ phận thanh tra của Thuduc House.

Ngày 23.4, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House).

Cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh (55 tuổi, bị TAND TP.HCM cấp sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù về tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí") kháng cáo xin được hưởng án treo. Vào năm 2023, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm cho rằng bị cáo Hạnh đã chỉ đạo, ký các quyết định hoàn thuế cho Thuduc House đối với 15 kỳ (từ tháng 4.2018 - 6.2019) trái quy định.

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Hạnh nói mức án 4 năm tù đối với bị cáo là quá nghiêm khắc, xin được hưởng án treo. Theo bị cáo, thời điểm đó, Thuduc House không nằm trong rủi ro, tức không có kế hoạch nằm trong thanh tra của năm 2018 và 2019.

Cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh

Cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh

NGUYỄN ANH

Bị cáo là người phát hiện ra bất thường tại Thuduc House nên đã chuyển hồ sơ sang bộ phận thanh tra của Thuduc House. "Với nhiều năm kinh nghiệm công tác, bị cáo và các công chức, phân tích hồ sơ nhận định một số việc để chuyển cho bộ phận thanh tra nghiên cứu, sau đó đi xác minh trước. Qua công tác thanh tra lần thứ nhất chưa phát hiện ra sai phạm. Đến lần thanh tra thứ 2, Cục Thuế TP.HCM đã huy động những cán bộ thuế giỏi nhất của ngành mới phát hiện và chứng minh sai phạm của Thuduc House", bị cáo Hạnh khai.

Nhiều bị cáo vụ Thuduc House xin nộp tiền phạt để không đi tù

Sau khi ký các quyết định thu hồi về hoàn thuế, bị cáo đã chỉ đạo đoàn thanh tra lần thứ nhất quay trở lại để xử lý số thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà Thuduc House đã kê khai bù trừ từ tháng 2.2017 - 1.2018. Giai đoạn này chưa cho phép hoàn thuế đối với trường hợp nhập khẩu và sau đó xuất khẩu hàng hóa. Sau khi cục thuế ban hành quyết định truy thu, thì doanh nghiệp cũng đã chấp hành và nộp số tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước.

Lý do bị cáo Hạnh xin được hưởng án treo là số tiền hoàn thuế 365 tỉ đồng đã được thu hồi cho nhà nước và không thất thoát. Tổng cục thuế và Cục Thuế TP.HCM cũng đã có công văn gửi TAND cấp cao, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho biết bị cáo và các công chức thuế trong vụ án đã thực hiện đúng các quy định pháp luật về hoàn thuế, cũng như đúng theo chỉ đạo của Tổng cục thuế.

Bị cáo đang chăm sóc mẹ già trên 80 tuổi vừa trải qua phẫu thuật, bị cáo bị bệnh trầm cảm đang phải điều trị tại bệnh viện tâm thần, bị cáo có công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ và đã được Bộ Tài chính nghiệm thu. Ngoài ra, trong dịch Covid-19, bị cáo đã vận động bạn bè, người thân hỗ trợ các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến.

Trước đó, từ năm 2016 - 2020, Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo nhiều người thành lập một số doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các công ty "ma" (không có hoạt động kinh doanh thực tế), hoặc mua các CMND từ các nguồn trôi nổi và thuê làm giả để thành lập công ty.

Để phục vụ chuyển tiền ra, vào Việt Nam, lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế GTGT, Dũng đã chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị sẵn một số hàng hóa, linh kiện điện tử là hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng, hàng có giá trị thấp.

Để hợp thức hóa đầu vào, Dũng và Lưu Thị Ngát (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Khánh Hưng) thành lập và sử dụng 17 công ty vỏ bọc xuất hóa đơn GTGT khống để hợp thức hóa đầu vào cho Công ty Sài Gòn Tây Nam, Thuduc House và Công ty Hoàng Nam Anh để các công ty này xuất khẩu và hoàn thuế GTGT.

Từ đó, Trịnh Tiến Dũng và đồng phạm vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới gần 1.760 tỉ đồng; lừa đảo chiếm đoạt hơn 537 tỉ đồng thuế GTGT.

Giữa năm 2023, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo từ phạt tiền đến 30 năm tù. Bị cáo Trịnh Tiến Dũng đã bỏ trốn, đang bị truy nã…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.