Trưa 21.1, giờ địa phương, tại Davos (Thụy Sĩ), trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 55, tọa đàm Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam đã thu hút sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp công nghệ, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới như Google, Schneider Electric, Hyundai Motor, Qualcomm, Visa, Ericsson...
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và cựu Phó thủ tướng Đức, đại sứ danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đầu tư Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures Philipp Rosler điều phối phiên tọa đàm.
Ông Trương Gia Bình giới thiệu về những tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ với các định hướng chiến lược quốc gia trong công nghệ. Trong đó, ông Bình nói với các doanh nghiệp nước ngoài rằng Việt Nam đã xác định chọn khoa học công nghệ làm động lực quan trọng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số những năm tới. Mục tiêu này sẽ được hiện thực hoá thông qua các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, bán dẫn và giáo dục.
"Việt Nam là 1 trong 2 nước trên thế giới hiện đang ở vị thế thuận lợi trong lĩnh vực khoa học công nghệ, cùng với Ấn Độ. Minh chứng cho điều này là việc mới đây Nvidia đã chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư như ngôi nhà thứ hai", ông Bình nói.
Theo nguyên Phó thủ tướng Đức, Philip Rosler, hiện là thời điểm tốt nhất để đầu tư vào Việt Nam, đúng thời điểm, thậm chí còn tốt hơn cơ hội đầu tư thời điểm 3 -4 năm trước vào Trung Quốc. Việt Nam có thể nhảy vọt, không phải từ điện thoại cố định sang cáp quang mà có thể nhảy thẳng lên 5G.
Việt Nam nên nới lỏng tỷ lệ sở hữu vốn đầu tư nước ngoài
Thảo luận sau đó, Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương Google Sanjay Gupta đánh giá, Việt Nam có vị thế "độc nhất, vô nhị" để trở thành quốc gia phát triển trong khu vực. Ông đề xuất Chính phủ Việt Nam kết nối, tương tác với internet mạnh mẽ hơn, cũng như mở cửa kho dữ liệu để AI phát triển mạnh mẽ.
Lãnh đạo Schneider Elecrtric cho biết mong muốn hợp tác cùng Nvidia để phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Ông mong muốn Việt Nam đột phá trong cơ sở hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển.
Là một nhà đầu tư hạ tầng cảng, kho hàng, đường giao thông, hệ sinh thái logistic trong chuỗi cung ứng và quản lý quỹ, ông Kim Fejer, Giám đốc điều hành A.P Moller Capital (Thụy Sĩ) đề cập đến giới hạn tối đa vốn nước ngoài của Việt Nam hiện nay. "Việt Nam nên xem xét nâng tỷ lệ sở hữu của vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực, ví dụ trong hạ tầng hàng không hiện giới hạn là 30%, cảng biển là 49% là không còn phù hợp".
Ông Roger Leitner, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Phòng Thương mại ASEAN – Thụy Sỹ tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế tương tự Thuỵ Sĩ, Singapore và UAE.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại nhà băng hàng đầu Thụy Sĩ UBS tại cả 3 quốc gia này, ông Roger Leitner nói Việt Nam có thể phát triển trung tâm tài chính thông qua tập trung vào mở cửa cho các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới phát triển tài năng địa phương, tài sản số và hợp tác cùng các ngân hàng tư nhân ở địa phương.
Tiếp đó, Roger Leitner gợi ý Việt Nam có thể phát triển, thúc đẩy du lịch chữa bệnh bởi sở hữu tiềm năng lớn.
Đáp lời các nhà đầu tư, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang nỗ lực cải cách môi trường, thủ tục đầu tư để trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Ông dẫn chứng về thủ tục đầu tư các ngành công nghệ cao tại khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần đăng ký là thực hiện được ngay thay vì phải mất 2-3 năm chờ đợi phê duyệt đầu tư, thẩm định các thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM), PCCC như trước đây.
Về trung tâm tài chính quốc tế, ông Dũng nói Quốc hội đã duyệt chủ trương và hiện đang xây dựng hai trung tâm tại TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thay mặt Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các nhà đầu tư đã tham gia tọa đàm và có những kiến nghị cụ thể. "Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ để tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển. Tinh thần của Thủ tướng Phạm Minh Chính là đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả", ông Nên nói.
Bình luận (0)