Cựu quan chức cấp cao Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc vì cùng đường?

09/10/2020 10:39 GMT+7

Cựu quyền Đại sứ CHDCND Triều Tiên ở Ý Jo Song-gil biến mất khỏi sứ quán hồi tháng 11.2018, đã bị từ chối khi xin tị nạn ở Thụy Sĩ và Pháp trước khi đến Hàn Quốc , theo nguồn tin tiết lộ với Chosun Ilbo .

Thông tin trên được đưa ra hôm 8.10, hai ngày sau khi nghị sĩ Jeon Hae-cheol, đứng đầu Ủy ban Tình báo thuộc Quốc hội Hàn Quốc, tiết lộ trên Facebook rằng ông Jo đang định cư ở Hàn Quốc.
Theo nguồn tin nói trên, ông Jo lúc đầu xin tị nạn ở Mỹ và châu Âu vì lo sợ sự an toàn của gia đình ông ở Triều Tiên nếu ông đào tẩu sang Hàn Quốc. Ông học chuyên ngành tiếng Pháp, nên muốn định cư ở Pháp, nhưng không thành công và sau đó đến Thụy Sĩ rồi "gõ cửa" Đại sứ quán Hàn Quốc ở một nước Đông Âu.
Ông Jo không thể dẫn con gái theo cùng nên cô này buộc phải trở về Triều Tiên. Nghị sĩ Jeon cho hay ông Jo đến Hàn Quốc “một cách tự nguyện” sau “nhiều lần” yêu cầu và ông đang được chính quyền Seoul bảo vệ.
Tuy nhiên, nghị sĩ Jeon không tiết lộ ông Jo đã làm gì trong khoảng thời gian từ lúc ông biến mất khỏi Rome vào tháng 11.2018 khi còn giữ chức quyền đại sứ Triều Tiên đến lúc ông đến Hàn Quốc vào tháng 7.2019.

Trốn khỏi Triều Tiên, nhiều phụ nữ lại bị nhân viên tình báo Hàn Quốc quấy rối tình dục

Nghị sĩ Jeon nói rằng ông Jo lo lắng về sự an toàn của gia đình ông nên không công khai các chi tiết. Ông Jo được cho là đang sống trong một ngôi nhà an toàn do chính phủ Hàn Quốc cung cấp. Ông Jo được cho là sẽ không xuất hiện trước công chúng, không giống cựu Phó đại sứ Triều Tiên tại Anh Thae Yong-ho, đào tẩu hồi năm 2016 và hiện là nghị sĩ thuộc đảng Quyền lực nhân dân đối lập ở Hàn Quốc.
Ông Thae cho hay nếu một nhà ngoại giao đào tẩu từ một đại sứ quán Triều Tiên đến Hàn Quốc, người đó sẽ bị xem là phản quốc và không ai biết được gia đình của quan chức đào tẩu sẽ nhận phải hình phạt gì, theo Chosun Ilbo.
Nhiều nghị sĩ và quan chức Hàn Quốc hôm 7.10 đã bày tỏ quan ngại về sự an toàn của con gái ông Jo sau khi thông tin về ông này bị rò rỉ, theo Reuters. Triều Tiên chưa có phản ứng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.