Cựu quân nhân Mỹ dự kiến các diễn biến trên Biển Đông

11/06/2015 08:59 GMT+7

(TNO) Ông William Johnson, một cựu sĩ quan Không quân Mỹ, trong bài viết đăng trên Reuters ngày 9.6, lý giải việc Trung Quốc gia tăng hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông và dự kiến thái độ của Mỹ về vấn đề này.

(TNO) Ông William Johnson, một cựu sĩ quan Không quân Mỹ, trong bài viết đăng trên Reuters ngày 9.6, lý giải việc Trung Quốc gia tăng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông và dự kiến thái độ của Mỹ về vấn đề này.

Tàu Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp cận Đá Tư Nghĩa (Hughes), nơi Trung Quốc chiếm của Việt Nam và đang cấp tập hoạt động xây dựng trái phép - Ảnh: Mai Thanh Hải
Theo ông Johnson, việc kiểm soát Biển Đông giúp Trung Quốc thống trị tuyến đường biển quan trọng tại đây, cho phép Trung Quốc ngăn cản hay đe dọa tàu chở hàng đến các nước ở Đông Á và Đông Nam Á, cũng như ngăn chặn lực lượng quân sự nước ngoài tiếp cận, cụ thể là Mỹ.
Biển Đông có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hồi năm 2014 ước tính Biển Đông có trữ lượng 11 tỉ thùng dầu và 5,3 nghìn tỉ m3 khí đốt tự nhiên. Đây cũng là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng và nhộn nhịp nhất thế giới, với 10 triệu thùng dầu được vận chuyển trên Biển Đông mỗi ngày.
Tuyên bố chủ quyền nuốt trọn Biển Đông sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo an ninh năng lượng, và không phụ thuộc hay phải nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ quốc gia khác.
Chỉ trong vòng 18 tháng qua, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp những bãi đá ngầm nhằm biến chúng thành đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Không tuân thủ UNCLOS, Bắc Kinh còn đặt thiết bị quân sự trên những đảo nhân tạo, và các quan chức Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ đưa thêm vũ khí đến nhằm quân sự hóa những hòn đảo nhân tạo này. Hơn nữa, Trung Quốc hiện sở hữu đủ tàu chiến hiện đại để bảo vệ những hòn đảo nhân tạo phi pháp này.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ - Ảnh: AFP
Washington đã lên tiếng phản đối hành động xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Hải quân Mỹ liên tục tiến hành hoạt động tuần tra trong khu vực kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, và theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra ở Biển Đông.
Ngoài sứ mạng đảm bảo tự do hàng hải, Mỹ tập trung vào việc giúp các đồng minh châu Á tăng cường năng lực trinh sát và thu thập thông tin tình báo, cung cấp cho họ những khí tài quân sự đối phó Trung Quốc. Nhật Bản và Mỹ sẽ cung cấp khí tài quân sự cho Philippines và Việt Nam.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ leo thang đến một mức độ nào đó vì vấn đề Biển Đông. Mỹ lên kế hoạch tuần tra trên không và trên biển trong phạm vi cách các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây khoảng 12 hải lý (22 km). Vừa qua tàu USS Fort Worth và máy bay P-8A của Mỹ đã tuần tra gần các đảo nhân tạo và Trung Quốc đã phản ứng, nhưng chưa có hành động gây hấn.
Theo ông Johnson, nếu Mỹ nhân nhượng Trung Quốc ở Biển Đông, Washington sẽ làm mất lòng tin với các đối tác và đồng minh ở châu Á. Vì lẽ đó, Washington nỗ lực kêu gọi đồng minh trong khu vực, Nhật Bản và Úc, kết hợp với Mỹ gây áp lực buộc Trung Quốc ngừng hoạt động bành trướng trên Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.