Bán sâm non trả lãi
Ba tháng sau khi những cây sâm Ngọc Linh đầu tiên ở Kon Tum đổ gục xuống, PV Thanh Niên ngược về thủ phủ của “quốc bảo” để tìm hiểu tình hình. Dưới chân núi Ngọc Linh, câu chuyện sâm chết đã trở thành đề tài nóng bỏng. Nguyên nhân sâm chết, những phương án khắc phục được người dân sôi nổi bàn tán. Tuy nhiên việc người dân cần nhất lúc này là làm sao có thể trả nợ đã vay ngân hàng để đầu tư vào sâm.
Như bao người khác, khi cây sâm Ngọc Linh có giá, anh A Ngôm (ở thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông) cũng thử trồng sâm trên mảnh đất cha ông để lại. Ba năm trước, anh vay hơn 150 triệu đồng để trồng hơn 1.000 cây sâm Ngọc Linh với giấc mộng đổi đời. Mấy năm nay mưa thuận gió hòa, cây sâm cũng nhờ thế mà phát triển tốt. Niềm vui của anh Ngôm cũng nhân lên khi mỗi năm cây sâm lại “đẻ” thêm 1 đốt. Cứ theo đà ấy, khoản nợ ngân hàng của anh Ngôm chẳng mấy chốc sẽ vơi dần.
Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang khi thiên tai ập xuống. Cơn giông đầu mùa năm nay kéo theo mưa đá trên diện rộng khiến những cây sâm vừa mới lớn của gia đình anh Ngôm đổ gục, dập nát. Khi thấy sâm chết hàng loạt, anh lo lắng chẳng thể chợp mắt vì không biết lấy gì để trả nợ ngân hàng.
“Nhà mình thiệt hại nhiều lắm, trồng 1.000 cây thì mất 700 cây rồi. Toàn bộ số nợ ngân hàng hơn 150 triệu mình chưa trả được đồng nào. Số cây sâm chết có trị giá khoảng trên 700 triệu đồng”, anh buồn rầu.
Những cây sâm trong vườn ươm có mái che không xuất hiện tình trạng úng thối, nấm bệnh |
Chẳng riêng gì vườn anh Ngôm mà hàng trăm vườn sâm khác của người dân đều chịu cảnh tương tự. Mấy tháng qua, gia đình anh A Chung (cùng ở thôn Đăk Dơn) như ngồi trên đống lửa khi cây sâm Ngọc Linh cứ vàng lá rồi chết dần. Một số cây bị teo thắt phần thân tiếp giáp với mặt đất, xuất hiện vết đốm hoặc chấm dạng nước sôi nằm trong phiến lá hoặc mép lá. Sau đấy cây sâm chết dần, thối nhũn.
Ba năm trước, gia đình anh Chung vay hơn 100 triệu đồng để đầu tư vào vườn sâm. Đến nay số nợ chưa kịp trả thì cây sâm bất ngờ đổ bệnh. Nhà anh có đến 800 gốc sâm bị thối củ, thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Để có tiền trả lãi, anh Chung đành thu hoạch một số cây sâm non mới bị vàng lá đem đi bán và phải chấp nhận bị tư thương ép giá.
“Mình đành phải bán thôi để lấy tiền trả lãi ngân hàng hằng tháng. 5 - 6 củ sâm vẫn chưa được 1 triệu đồng, nhưng cũng phải bán. Nếu không như vậy không biết lấy gì để trang trải nợ nần. Khổ nhất là những nhà mới trồng sâm, không có vốn dự trữ nên chẳng biết lấy gì trả nợ”, anh Chung nói.
Khắc chế thời tiết bất lợi
Ngay khi tình trạng sâm chết được báo cáo, các cơ quan chức năng đã khẩn trương đến thủ phủ sâm Ngọc Linh để xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Các cán bộ Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum phối hợp cùng UBND các xã, huyện leo hết ngọn núi này qua cánh rừng khác để điều tra nguyên nhân gây bệnh.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, cho biết rất khó để điều tra diện tích sâm cũng như số lượng sâm chết. Vì giá trị quá lớn nên người dân địa phương thường trồng sâm một cách âm thầm, bí mật. Họ sợ rằng quá nhiều người biết đến việc gia đình đang canh tác sâm sẽ tạo ra những rắc rối, bất ổn không đáng có. Do đó khi sâm chết, nhiều gia đình vẫn không muốn công bố thông tin này ra ngoài. Việc người dân luôn giấu thông tin gây ra nhiều khó khăn cho cán bộ quản lý trong công tác kiểm tra, xác minh.
Người dân chuyển cây sâm sang vườn khác để trồng ở giá thể mới tránh bệnh hại |
ĐỨC NHẬT |
Sau khoảng 2 tháng khảo sát, các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân khiến sâm chết là do thời tiết bất lợi. Theo ông Tâm, tình trạng sâm chết chủ yếu xuất hiện ở vườn của người dân địa phương, chủ yếu trồng theo hướng manh mún, không áp dụng biện pháp kỹ thuật, không làm mái che trên vườn ươm. Trong khi đó, năm nay trên địa bàn xuất hiện mưa đá khiến cành sâm bị gãy, đổ. Cũng do lượng mưa lớn khiến cây sâm bị úng nước, tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát sinh, xâm nhập vào vết thương của cây, gây nhiễm bệnh và chết hàng loạt.
“Môi trường của sâm là không chịu được nước nhiều. Cây sâm chỉ chịu được độ ẩm vừa phải, nằm trong môi trường sống tốt thì không bao giờ có nấm. Khi ở môi trường bất lợi nó sẽ tạo ra tình trạng úng, thối củ và nấm bệnh”, ông Tâm giải thích.
Khi đã xác định được nguyên nhân khiến cây sâm chết hàng loạt, các cơ quan chức năng đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân biện pháp phòng trừ. Trong đó, nhiệm vụ cơ bản là vệ sinh vườn cây để tạo độ thông thoáng, tách những cây bị bệnh ra khỏi luống và trồng vào giá thể mới để tránh bệnh lây lan; sửa chữa, bổ sung mái che cho luống trồng, nhất là các vườn sâm từ 1 - 3 năm tuổi để mưa không tác động trực tiếp vào cây sâm, gây tổn thương, hạn chế nấm bệnh lây lan. Bên cạnh đó, người dân cần bón bổ sung cho vườn cây bằng mùn núi đã được xử lý bằng chế phẩm sinh học từ 3 - 6 tháng/lần để tăng cường dinh dưỡng cho cây và diệt trừ nấm bệnh.
700 cây sâm bất ngờ chết sạch, anh A Ngôm như ngồi trên đống lửa |
“Hiện nay, theo báo cáo của các địa phương, sau khi áp dụng các biện pháp theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, cây sâm Ngọc Linh đã dần ổn định không còn triệu chứng của bệnh hại. Như vậy, về cơ bản các địa phương đã khống chế được tình trạng sâm chết trong thời gian qua”, ông Tâm cho hay.
Giãn nợ cho dân
Dù đã bước đầu khắc phục tình trạng sâm chết, nhiều hộ dân tại thủ phủ sâm Ngọc Linh vẫn đang trong cảnh khó khăn khi khoản nợ ngân hàng còn treo lơ lửng trên đầu.
Theo thống kê, H.Đăk Glei có 435 hộ dân bị thiệt hại với khoảng 33.900 cây sâm Ngọc Linh chết. Các hộ dân trên địa bàn huyện đã vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 1,5 tỉ đồng để trồng sâm. Để gỡ khó cho người trồng sâm, UBND H.Đăk Glei đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các công ty cung ứng giống sâm Ngọc Linh với giá ưu đãi để người dân tiếp tục phát triển. Đồng thời đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh giới thiệu, khuyến cáo các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học được phép sử dụng đối với dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng để có cơ sở tuyên truyền, chủ động hướng dẫn người trồng sâm phòng bệnh kịp thời khi thời tiết giao mùa.
Còn theo thống kê của UBND H.Tu Mơ Rông, hiện tổng số cây sâm Ngọc Linh bị chết trên địa bàn là 39.200 cây của 408 hộ, với thiệt hại khoảng hơn 20,8 tỉ đồng. Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, để giảm thiểu thiệt hại cho người trồng sâm Ngọc Linh, huyện đã có kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ cho người dân, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án khoanh, giãn nợ. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng giống sâm Ngọc Linh cho người dân trên địa bàn huyện để khôi phục các diện tích sâm bị chết.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, cho biết thêm sắp tới Sở đề nghị các huyện xác định lại số liệu sâm bị thiệt hại, sau đó sẽ mời Ngân hàng Chính sách tỉnh, UBND các huyện bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Qua đó, sẽ đề xuất các phương án cụ thể hơn nhằm khoanh nợ, giãn nợ cho người dân.
Bình luận (0)