Cựu sếp VEC khai gì về việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng?

16/10/2023 21:31 GMT+7

Dù mới đưa vào khai thác thời gian ngắn, toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành, an toàn giao thông.

Chiều 16.10, sau khi kết thúc phần công bố cáo trạng, hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.Hà Nội tiến hành thẩm vấn đối với các bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại giai đoạn 2 tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cựu sếp VEC khai gì về việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng? - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Văn Tám (hàng đầu), cựu Tổng giám đốc VEC, hầu tòa trong vụ án liên quan cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

PHÚC BÌNH

Người đầu tiên được xét hỏi là bị cáo Trần Văn Tám (61 tuổi), cựu Tổng giám đốc VEC. Ông Tám bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, với cáo buộc là người trực tiếp phụ trách dự án kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu cơ sở.

Ông Tám là người ký biên bản nghiệm thu hoàn thành, đưa vào khai thác, kết luận cao tốc "đáp ứng yêu cầu thiết kế, đảm bảo kỹ thuật"; đồng thời, ký văn bản gửi Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, đánh giá chất lượng công trình "đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế".

Viện kiểm sát xác định Hội đồng Nghiệm thu cơ sở do ông Tám làm chủ tịch chưa họp để đánh giá chất lượng công trình nhưng bị cáo đã ký hồ sơ nghiệm thu và thanh toán hơn 45 tỉ đồng cho 5 gói thầu, dù chất lượng công trình không đạt tiêu chuẩn, dẫn tới thiệt hại.

Trình bày trước tòa, ông Tám cho biết, VEC là doanh nghiệp được Bộ GTVT thành lập, với nhiệm vụ đầu tư quản lý khai thác các đường cao tốc tại Việt Nam. Bộ GTVT vừa là chủ sở hữu, vừa là cơ quan quản lý nhà nước của VEC. Tại các dự án do VEC làm chủ đầu tư, công ty này trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng công trình.

Theo quy định, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phải được nghiệm thu từng phần, đạt chất lượng mới được thi công phần tiếp theo. Nhưng theo bị cáo Tám, thực tế không thể làm được điều này.

Cựu Tổng giám đốc VEC giải thích, dự án cao tốc giai đoạn 2 thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu", tức là giải phóng mặt bằng được đến đâu thì thi công ngay đến đó, lớp này không thể chờ lớp kia, nên không thể chờ đến cuối để nghiệm thu tổng thể. Chưa kể, công tác giải phóng mặt bằng của dự án khi ấy không đồng bộ và gặp nhiều khó khăn.

Cựu sếp VEC khai gì về việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng? - Ảnh 2.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xảy ra nhiều sự cố hư hỏng khi vừa đưa vào khai thác

NGUYỄN TÚ

HĐXX truy vấn bị cáo về việc Hội đồng Nghiệm thu cơ sở ký văn bản nghiệm thu khi chưa cả họp, đánh giá công trình. Cựu Tổng giám đốc VEC phân trần rằng do áp lực từ Bộ GTVT về việc yêu cầu khẩn trương báo cáo.

Trước câu trả lời trên, HĐXX tiếp tục hỏi "dựa vào đâu mà bị cáo làm sai quy định như thế?", bị cáo Tám nói dựa vào các báo cáo, đệ trình của tư vấn giám sát. "Chỉ dựa vào đấy đã kết luận là thế nào?", HĐXX truy vấn thêm. Bị cáo cho rằng chỉ đánh giá khối lượng hoàn thành cơ bản theo thiết kế chứ không đánh giá chất lượng.

HĐXX sau đó công bố kết luận giám định của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, cho thấy những hư hại của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dù mới đưa vào khai thác thời gian ngắn. Ví dụ, nền đường lẫn nhiều đá không được loại bỏ, vật liệu thi công không phù hợp chất lượng, kích cỡ, đá dăm gia cố lớp xi măng bị nứt dọc, nứt ngang; một số phân đoạn bê tông nhựa, đá dăm không đạt yêu cầu kỹ thuật, lớp đất đắp không đạt độ chặt, không đạt độ dày...

Với cương vị là lãnh đạo VEC tại thời điểm xảy ra sai, ông Tám nói "không hiểu về kỹ thuật nên không có ý kiến"; đồng thời, nhận trách nhiệm liên đới, cho biết đã được gia đình nộp khắc phục thay 600 triệu đồng.

Theo cáo buộc, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 5.2013 - 9.2018 thì đưa vào khai thác toàn tuyến.

Đây là đường cao tốc loại A, tốc độ 120 km/giờ, thời gian tính toán dự báo giao thông là trên 20 năm kể từ năm đầu tiên đưa đường vào sử dụng, trong đó thời hạn tính toán cho mặt đường là trên 10 năm.

Tuy nhiên, khi mới đưa vào vận hành khai thác, toàn tuyến đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông, gây bức xúc trong dư luận.

Kết quả điều tra xác định, tại tuyến đường thuộc giai đoạn 1 của dự án (dài 65 km, từ TP.Đà Nẵng đến TP.Tam Kỳ), chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát đã vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng và quy định về xây dựng, dẫn đến chất lượng thi công công trình không đảm bảo, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 811 tỉ đồng.

Tại tuyến đường thuộc giai đoạn 2 dự án trong vụ án đang xét xử hôm nay (từ TP.Tam Kỳ đến TP.Quảng Ngãi, dài hơn 74 km), các sai phạm tương tự cũng xảy ra, khiến công trình không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước 460 tỉ đồng.

Ngoài ông Trần Văn Tám còn có 21 bị cáo khác bị đưa ra xét xử. Trong số này, có ông Mai Tuấn Anh, cựu Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc VEC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.