Cứu sống 2 ca đột qụy nguy kịch nhờ… 2 cuộc gọi khẩn

26/07/2019 19:25 GMT+7

Liên tiếp 2 ca đột quỵ não nguy kịch được các bác sĩ ở Cần Thơ cứu sống sau 2 cuộc điện thoại khẩn “ báo động đỏ liên viện ”.

Chiều 26.7, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cứu sống 2 ca đột quỵ nguy hiểm ở cách xa nhờ qui trình phối hợp với tuyến dưới gọi là “báo động đỏ liên viện”.
Bệnh nhân thứ nhất là ông Tr.V V (57 tuổi, ngụ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Rạng sáng 24.7, ông V. đột ngột ngất và không nói chuyện được liệt nửa người trái sau đó được người nhà chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cấp cứu.
Tại đây bệnh nhân được chụp CT scanner sọ não và MRI mạch máu não. Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não do huyết khối động mạch não giữa bên phải giờ thứ ba và có chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết (Alteplase).
Nhận thấy ca cấp cứu vượt khả năng, ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, liên hệ gấp với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để phối hợp cấp cứu bệnh nhân.
Nhận cuộc gọi, Khoa Hồi sức tích cực - đơn vị can thiệp đột quỵ của Bệnh viện Đa Khoa Trung Ương Cần thơ liền bố trí đội cấp cứu đột quỵ và kích hoạt đội can thiệp mạch máu não trong tư thế sẵn sàng.
Đúng 7 giờ 15 phút cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần thơ trong tình trạng lơ mơ, khó tiếp xúc và được tức tốc chuyển sang phòng can thiệp DSA. Ê kíp can thiệp đột quỵ do BS.CK1 Trần Công Khánh, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BS.CK1 Phạm Minh Phước đã thực hiện chụp và xác định bệnh nhân tắc gần như hoàn động mạch não giữa bên phải.
Ê kíp can thiệp đã thực hiện can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ. Kết quả chụp kiểm tra sau can thiệp đã tái thông hoàn toàn động mạch não giữa phải. Từ lúc vào viện đến tái thông mạch máu não là 1 giờ 30 phút. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến lúc can thiệp là dưới 6 giờ.
Hiện tại, sau can thiệp, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, mặc dù còn hơi yếu nửa người bên trái, nhưng khả năng hồi phục là rất cao.
Cũng giống như ca cấp cứu trên, một ngày sau (25.7), Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Sóc Trăng và Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ tiếp tục phối hợp cứu sống thêm một trường hợp là bệnh nhân V.Ng.Ch., (83 tuổi, ngụ huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng).
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rung nhĩ đang điều trị. Sáng cùng ngày, khi đang trên đường đi ăn đám giỗ về thì đột nhiên bà Ch. không nói chuyện được, liệt nửa người phải. Bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cấp cứu.
Kết quả chụp CT Scanner sọ não và CT mạch máu não cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu não do huyết khối động mạch não giữa trái và có chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết. Tiếp tục áp dụng qui trình báo động đỏ, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã liên hệ gấp với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để cùng cứu bệnh nhân.
Ngay sau đó, một ê kíp can thiệp được chuẩn bị sẵn đề chờ bệnh nhân và đảm bảo việc can thiệp được tiến hành trong “giờ vàng”, tức dưới 6 giờ kể từ khi xảy ra đột quỵ. Hiện tại, sau can thiệp, bệnh nhân ổn định và tri giác cải thiện rõ, thực hiện được các y lệnh.

Hiện tại, sau can thiệp, bệnh nhân V.Ng.Ch đã ổn định và tri giác cải thiện rõ, thực hiện được các y lệnh

Ảnh: Đình Tuyển

Theo BS.CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, những bệnh nhân đột quỵ có tỉ lệ tử vong và tàn tật rất cao. Sau đột quỵ bệnh nhân được can thiệp càng sớm thì càng có nhiều cơ hội sống cũng như hồi phục. Trong đột quỵ não lại được chia thành 2 loại là xuất huyết não và nhồi máu não. Nhồi máu não có tỉ lệ cao hơn, chiếm khoảng 80-85%, xảy ra do tình trạng tắc mạch não.
Nếu bệnh nhân nhồi máu não đến viện trong khoảng “giờ vàng” là 3 giờ kể từ khi phát bệnh thì có thể được áp dụng các liệu pháp điều trị tái thông mạch máu. Theo đó, trong 3 - 4,5 giờ đầu có thể tái thông bằng thuốc. Nếu thất bại có thể chuyển sang can thiệp nội mạch lấy huyết khối nhưng thời gian từ lúc phát bệnh đến can thiệp không quá 6 giờ. Nói cách khác, phương pháp điều trị đột quỵ hiện nay chỉ áp dụng cho bệnh nhân đến trong 6 giờ kể từ lúc bắt đầu có triệu chứng khởi phát.
“Chính vì vậy, trong 2 ca cấp cứu trên, việc phối hợp tốt giữa Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong qui trình báo động đỏ liên viện được xem là yếu tố quyết định bởi thời gian cấp cứu bệnh nhân được rút ngắn một cách tối đa, có thể nói là giành giật từng phút. Từ đó mang lại cơ hội sống và phục hồi cho bệnh nhân nhiều hơn”, BS Phước nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.