Cứu sống bé trai bị té lầu qua 3 lần phẫu thuật đầy cam go

18/08/2017 20:59 GMT+7

Bé trai 5 tuổi (ngụ Bình Thuận) bị chấn thương nặng vùng cổ do té lầu. Trải qua hành trình cam go 3 lần phẫu thuật, trong gần 2 tháng, các bác sĩ đã cùng bé trai 'giành' lại sự sống...

Ba lần phẫu thuật cam go
Chiều nay (18.8), phó giáo sư - bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đã chia sẻ về hành trình giành lại sự sống đầy cam go cho bệnh nhi 5 tuổi.
Bé N.T.P. (5 tuổi, ngụ Bình Thuận) ngày 25.6 chồm người qua lan can tầng lầu (từ dưới đất lên đến lầu này khoảng 7m) và té đập cổ vào hàng rào sắt trước nhà, bị chảy máu ồ ạt.
Gia đình không dám nghĩ bé có thể còn sống được như hôm nay. Các y bác sĩ đã sinh ra cháu lần hai
Mẹ bệnh nhi N.T.P.
Bé được sơ cứu tại bệnh viện ở Bình Thuận rồi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhi bị tổn thương khí quản, thực quản đoạn cổ nghiêm trọng, hôn mê, tụt huyết áp, phải bóp bóng qua nội khí quản.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đã mời các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy sang hội chẩn cho bé ngay trong đêm, sau đó chuyển bé qua Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhi được phẫu thuật lần đầu vào ngày 26.6 để khâu vết rách ở khí quản và thực quản, đồng thời mở khí quản thở máy. Tuy giữ được mạng sống nhưng bé hôn mê, sốt, chảy dịch đục vùng cổ. Bé được chăm sóc đặc biệt và trải qua quá trình hồi sức khá gian nan.
Đến ngày 3.7, bé lại tiếp tục lên bàn mổ lần hai. Các bác sĩ đã làm sạch ổ nhiễm trùng rất lớn ở vùng cổ của bé, cắt lọc khâu lại vết rách thực quản thành trước, lớp niêm mạc thành sau, khâu khí quản, mở khí quản ra da, mở hỗng tràng nuôi ăn. Đặc biệt các bác sĩ đã đặt hệ thống tưới rửa liên tục vùng cổ, giúp khống chế nhiễm trùng cho bệnh nhi.
Sau khi được mổ lần hai, bé bắt đầu tỉnh, tự thở qua mở khí quản.
Khi tình trạng bệnh nhi dần phục hồi, các bác sĩ tiếp tục thực hiện mổ lần ba vào ngày 19.7, khâu tăng cường lớp thanh cơ thành sau thực quản.
Quyết định cho uống nước vực dậy bệnh nhi

Đây là tình huống phải đấu trí. Cháu bé đang nằm dây nhợ xung quanh, nếu không quyết định cho uống nước thì sẽ không biết phải nằm lệ thuộc vào máy móc đến bao giờ

Phó giáo sư - bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy

Ngày 1.8, khi tình trạng ổn định, bé được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, sau đó, qua CT scan thấy bệnh nhi còn rò ít thực quản, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục được mời qua Bệnh viện Nhi đồng 2 hội chẩn. Kiểm tra thấy đường rò còn rất nhỏ, phó giáo sư - bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy, quyết định cho bệnh nhi ngồi dậy... uống nước
“Đây là tình huống phải đấu trí. Cháu bé đang nằm dây nhợ xung quanh, nếu không quyết định cho uống nước thì sẽ không biết phải nằm lệ thuộc vào máy móc đến bao giờ”, bác sĩ Vĩnh đánh giá.
Đội ngũ cấp cứu sẵn sàng xung quanh để xử trí kịp thời nếu chẳng may xảy ra tình huống xấu. Ly nước đầu tiên bé sặc. Bác sĩ vẫn kiên trì cho uống tiếp. Đến ly thứ hai, bé uống được bình thường. Bệnh nhi sau đó được hướng dẫn đi lại, tập vật lý trị liệu.
Hiện tại, bé vẫn duy trì uống nước và sữa qua miệng, thức ăn được bơm trực tiếp qua hỗng tràng.
Bệnh nhi hôm nay đã được xuất viện. Một tuần sau khi xuất viện, bệnh nhi sẽ được tái khám để kiểm tra thực quản và có thể cho ăn hoàn toàn đường miệng.
Bệnh nhi khi được hồi sức tích cực sau mổ tại Bệnh viện Chợ Rẫy Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Vĩnh cho biết, 3-6 tháng sau, bé sẽ phải được phẫu thuật lần thứ tư để nối lại khí quản, nhằm thở bình thường qua mũi miệng.
“Gia đình không dám nghĩ bé có thể còn sống được như hôm nay. Các y bác sĩ đã sinh ra cháu lần hai”, mẹ bệnh nhân xúc động chia sẻ.
Phó giáo sư - bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá: Đây là một trong những trường hợp mà sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa hai bệnh viện đã giúp cháu bé chiến thắng được tử thần, hồi phục trở về với cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.