Cứu sống bệnh nhân bị vỡ nát tá tràng 2 đoạn do tai nạn

14/08/2019 16:01 GMT+7

Các bác sĩ ở Cần Thơ vừa cứu sống ca chấn thương hy hữu, bệnh nhân bị vỡ nát tá tràng 2 đoạn sau tai nạn giao thông.

Trưa ngày 14.8, BS.CK2 Khưu Vũ Lâm, Phó trưởng khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết bệnh viện vừa điều trị thành công một ca cấp cứu nặng có tổn thương khối tá tuỵ hy hữu.

Cứu sống thần kỳ thanh niên vỡ nát tá tràng "9 mất 1 còn"

Bệnh nhân là T.Q.B (20 tuổi, quê ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Sóc Trăng sau tai nạn giao thông, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ do chấn thương quá nặng. 
Lúc nhập viện, bệnh nhân bị sốc nặng do mất máu, phải thở ô xy. Siêu âm bụng cho thấy có nhiều dịch ổ bụng kém thuần trạng. Chụp cắt lớp vi tính có hơi tự do ổ bụng, hơi và máu tụ sau phúc mạc cạnh tá tràng, tụy, dày thành ruột non, dịch ổ bụng lượng nhiều. Nhận định đây là một trường hợp rất nặng, tổn thương phức tạp, bệnh viện tiến hành hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa và quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Ê kíp phẫu thuật Khoa Ngoại tổng quát và Khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã lấy ra từ ổ bụng bệnh nhân khoảng 800 ml máu loãng và 800 gram máu cục, tụ máu sau phúc mạc lan rộng xuống hố chậu hai bên và mạc treo ruột non. Đặc biệt, xác dịnh được tá tràng đoạn D1 vỡ 30% chu vi kèm dập nát môn vị; bệnh nhân có chỉ định mở thám sát khối máu tụ và phát hiện tiếp tá tràng D4 vỡ gần đứt đôi và có một mạch máu đang chảy.
Đây là trường hợp rất hiếm gặp vỡ tá tràng 2 đoạn D1 và D4 giữa thân tuỵ dập nát tẩm nhuộm máu.
Sau khi cầm máu, làm sạch máu trong ổ bụng và máu tụ sau phúc mạc, các bác sĩ đã thám sát không ghi nhận thêm tổn thương khác, đoạn tá tràng D1, hang môn vị dạ dày, đoạn tá tràng D4 được cắt bỏ. Đóng mỏm tá tràng D2. Lập lại lưu thông tiêu hóa bằng nối ruột non với dạ dày, nối ruột non với tá tràng D3. Dẫn lưu khung tá tràng ngược dòng, tạo hình lại góc.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng nữa là bảo tồn cơ vòng để đảm bảo đường mật và đường tuỵ lưu thông cũng như tránh tổn thương bóng Vater… Sau khoảng 5 giờ tập trung cao độ, ca phẫu thuật đã thành công.
Hiện tại, sau ca phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, sinh tồn ổn định, ăn uống được, ống dẫn lưu bụng đã được rút vào ngày hậu phẫu thứ 5, có thể cho ra viện trong vài ngày tới.
Theo BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, vỡ tá tràng là một cấp cứu ngoại khoa, nguyên nhân thường do chấn thương bụng kín. Tá tràng là đoạn đầu của ruột non tiếp nối dạ dày, hình chữ C, dài khoảng 25cm. Tá tràng ôm lấy đầu tụy, nằm vắt ngang cột sống, đoạn đầu di động, đoạn sau cố định vì vậy, một chấn thương vào vùng trên rốn dễ làm vỡ tá tràng hoặc tụy. Đây là một tổn thương ít gặp trong chấn thương bụng kín và có tỉ lệ tử vong cũng như biến chứng rất cao.
Theo y văn, tỉ lệ tử vong từ 16,7 đến 31% do chấn thương vỡ tá tràng là một tổn thương nặng, thường có nhiều chấn thương phối hợp phức tạp, khó chẩn đoán, nhất là bệnh nhân đến trễ trong tình trạng viêm phúc mạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.