Ngày 18.6, thông tin từ Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ vừa phối hợp cứu sống một bệnh nhân nguy kịch do xuất huyết tiêu hóa từ ruột non.
Trước đó, nữ bệnh nhân N.T.L (60 tuổi, ngụ H.Phú Tân, Cà Mau) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, tiêu ra máu nhiều, da niêm nhợt, huyết áp thấp, mạch nhanh nhẹ khó bắt, suy hô hấp, toan chuyển hóa. Bệnh nhân được nội soi dạ dày, tá tràng, đại tràng từ bệnh viện tuyến trước nhưng không phát hiện tổn thương.
Ngay sau khi tiếp nhận, khoa Cấp cứu thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện. Bệnh nhân được tiến hành cấp cứu, truyền dịch, truyền máu, truyền huyết tương tươi đông lạnh khẩn cấp, hồi sức nội khoa, đặt nội khí quản, thở máy, chống toan, đặt catheter đo huyết áp động mạch xâm lấn.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang trước ghi nhận hình ảnh thoát mạch thuốc cản quang trong thành quai ruột non hông trái, không thấy u bướu hay polyp. Bệnh nhân được chỉ định chụp và nút động mạch điều trị cầm máu các tạng số xóa nền. Tuy nhiên, ca can thiệp không thực hiện được do không ghi nhận được dấu hiệu thoát mạch khi tiến hành chụp mạch máu số hóa xóa nền.
Sau đó, các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực, điều chỉnh rối loạn đông máu và quyết định phẫu thuật vào bụng đường giữa trên rốn 15 cm cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật, ê kíp đã ghi nhận ổ bụng bệnh nhân có khoảng 100 ml dịch trong... Ca phẫu thuật thành công sau 2 giờ, quá trình cấp cứu và phẫu thuật bệnh nhân được chỉ định truyền 35 đơn vị máu và các chế phẩm của máu.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc theo dõi và tiếp tục hồi sức nội khoa tích cực. Tình trạng hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, niêm hồng đang được điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp.
BS.CK2 Bồ Kim Phương, Trưởng khoa Nội tiêu hóa huyết học lâm sàng, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, thông tin: Chảy máu tiêu hóa dưới nguyên nhân từ ruột non (từ góc tá hổng tràng cho đến hồi tràng), nguyên nhân thường gặp là dị dạng mạch máu ruột, tổn thương viêm trợt xuất huyết, polyp ruột non, u ruột non… Thể này thường khó chẩn đoán và khó điều trị do ruột non rất dài, trung bình 6,5 m. Ngoài ra, chảy máu ruột non do nguyên nhân dị dạng mạch máu ruột càng hiếm gặp và khó chẩn đoán hơn.
Hiện nay với sự phát triển của nội soi ruột non, nhiều trường hợp đã được chẩn đoán và can thiệp thành công qua nội soi. Tuy vậy, đây là một thủ thuật xâm lấn, tốn nhiều thời gian, cần chuẩn bị ruột sạch, không thích hợp trong những tình huống chảy máu ồ ạt, tụt huyết áp nặng.
Bên cạnh đó, can thiệp nội mạch ở các xuất huyết từ ruột non hiện vẫn được nhiều chuyên gia khuyến cáo là lựa chọn đầu tay trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là ở các trường hợp bệnh nặng, không thích hợp trải qua một cuộc đại phẫu. Còn phẫu thuật nên được xem là phương pháp cứu mạng, khi can thiệp nội mạch thất bại hoặc tình trạng bệnh nhân quá nặng không thể trì hoãn can thiệp.
Cũng theo BS Phương, xuất huyết tiêu hóa do dị dạng mạch máu ruột non là bệnh hiếm gặp, có nhiều thách thức trong chẩn đoán và điều trị, cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa với trang thiết bị hiện đại và đặc biệt năng lực chuyên môn của các bác sĩ nhiều chuyên khoa.
Bình luận (0)