Cứu sống chàng trai bị tai nạn vỡ gan mà không phải phẫu thuật

27/02/2019 08:09 GMT+7

Một thanh niên bị tai nạn giao thông vỡ gan , đa chấn thương nặng vừa được các bác sĩ ở Cần Thơ cứu sống sau ca can thiệp nút mạch , cầm máu kéo dài 30 phút.

Chiều 26.2, BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết bệnh viện vừa cấp cứu thành công một ca cấp cứu đa chấn thương nặng, bệnh nhân bị sốc mất máu, vỡ gan phức tạp, tràn máu nhiều ổ bụng, gãy xương cẳng tay…
Trước đó, khuya 23.2, anh H.N.S (21 tuổi, ngụ xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) bị tai nạn giao thông và được chuyển tuyến từ Hậu Giang lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Theo người nhà bệnh nhân, trên đường về quê vợ ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tối cùng ngày, anh S. đã tông vào phía sau một chiếc xe tải bị chết máy, dừng trên QL 61C (Cần Thơ đi TP.Vị Thanh, Hậu Giang). Người dân phát hiện đã đưa S. vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang.
Tuy nhiên, do chấn thương quá nặng, nên anh S. được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, sốc mất máu, lơ mơ, sưng nề vùng mặt, hai mắt, gãy xương cẳng tay phải, đau dữ dội bụng vùng hạ sườn phải.
Sau khi siêu âm và CT Scan, bệnh nhân được chẩn đoán xác định là sốc mất máu nặng, vỡ gan rất phức tạp, máu tràn ổ bụng nhiều, gẫy xương cẳng tay, đa chấn thương… Bệnh nhân được tiến hành hồi sức tích cực, hội chẩn khẩn và chỉ định can thiệp chụp và nút mạch, cầm máu gan bị vỡ.
Khoảng 2 giờ sáng 24.2, ê kíp của BSCK1 Trần Công Khánh, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, đã tiến hành can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân.
Theo BS Khánh, chụp và nút mạch cầm máu là thủ thuật hiện đại, sử dụng máy kỹ thuật số xóa nền DSA, bệnh nhân chỉ phải gây tê. Quá trình can thiệp, bác sĩ luồn một ống thông nhỏ đường kính khoảng 2 mm từ động mạch đùi ở vùng bẹn phải vào động mạch chủ bụng. Từ đây ống thông được luồn vào động mạch gan.
Sau khi bơm thuốc cản quang, xác định được vị trí chảy máu trong gan, bác sĩ tiếp tục luồn một ống thông siêu nhỏ đường kính khoảng 1 mm vào các nhánh động mạch cung cấp máu cho vùng gan bị vỡ, bơm keo làm tắc chỗ vỡ, giúp cầm máu.
Sau khoảng 30 phút, ca can thiệp đã thành công, giúp cầm máu cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, do tổn thương của bệnh nhân rất phức tạp nên ngoài can thiệp nút động mạch, cầm máu, các bác sĩ còn phải tiến hành xử lý thêm các tổn thương rách tĩnh mạch cho bệnh nhân.
Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhân đã có nhiều tiến triển tốt, mạch, huyết áp ổn định, tình trạng chảy máu đã không còn. Bệnh tỉnh nhưng vẫn phải dõi điều trị tích cực. Khi tổn thương gan ổn định thì sẽ xử lý tiếp các tổn thương khác.
Nói thềm về ca can thiệp trên, BS Phong cho biết gan là cơ quan có rất nhiều mạch máu nên thường chảy máu nhanh khi bị chấn thương. Nếu không can thiệp kịp thời, tính mạng của người bệnh bị đe doạ do mất máu cấp.
“Đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị đa chấn thương do tai nạn giao thông như trên, việc triển khai can thiệp nút mạch sẽ tránh được cuộc mổ lớn, không phải gây mê. Thời gian thủ thuật ngắn chỉ khoảng 30 phút, cầm máu được tức thì. Không chỉ tránh được những nhiều rủi ro biến chứng nặng khi phẫu thuật mà còn hạn chế tối đa xâm lấn giúp tổn thương ở gan mau hồi phục để bệnh nhân nhanh chóng được xử lý những tổn thương khác”, BS Phong nói.
Cũng theo BS Phong, với máy DSA, ngoài can thiệp cấp cứu chấn thương gan như trên, bệnh viện cũng đã triển khai 24/24 những can thiệp nội mạch khác như chảy máu mũi cấp cứu, những trường hợp ho ra máu, can thiệp động mạch thận, can thiệp động mach và động mạch ngoại biên, can thiệp mạch não, tắc mạch trong điều trị u xơ tử cung… Nhờ đó, bệnh nhân ít phải chuyển lên tuyến trên như trước đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.