Cứu sống người đàn ông đổ gục trên taxi, ngưng tim, ngưng thở

12/05/2020 19:06 GMT+7

Người đàn ông 59 tuổi đang ở nhà thì nặng ngực. Khi đi taxi đến bệnh viện, bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở trên xe...

Ngày 12.5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP.HCM) cho biết đội phản ứng nhanh CODE STEMI của bệnh viện kịp thời cứu sống bệnh nhân N.H.G (59 tuổi, ngụ TP.HCM) vì ngưng tim, ngưng thở trên đường đi cấp cứu do nhồi máu cơ tim.
Theo đó, khi ở nhà, ông G. thấy nặng ngực, người nhà liền gọi taxi đưa đi cấp cứu. Mặc dù từ nhà đến bệnh viện chưa đầy 30 phút nhưng trên đường đi, ông bất ngờ đổ gục trong xe, người tím tái, mê man.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đã ngưng tim, ngưng thở. Ê kíp trực của Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) ngay lập tức tiến hành hồi sức cấp cứu tim phổi, sốc điện, đặt nội khí quản, bóp bóng hỗ trợ hô hấp tích cực và kích hoạt quy trình báo động CODE STEMI.
Sau 5 phút hồi sức tim phổi, người bệnh có lại nhịp tim. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp và được chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu.
Thạc sĩ - bác sĩ (ThS.BS) Nguyễn Thanh Nhân (Khoa Tim mạch), người trực tiếp thực hiện thủ thuật, cho biết kết quả chụp DSA (mạch số hóa xóa nền) xác định bệnh nhân bị tắc cấp động mạch liên thất trước. Các bác sĩ khẩn trương can thiệp đặt 1 stent phủ thuốc với kích thước (2,75 x 38 mm) tái thông động mạch bị tắc sau 30 phút thủ thuật.
Nhờ việc xử trí kịp thời của các y, bác sĩ, cùng với các phương tiện hỗ trợ, người bệnh đã qua cơn nguy kịch sau cấp cứu ngưng tim, ngưng thở. Sau 7 ngày điều trị, qua kiểm tra bệnh nhân đã ổn định, ông có thể đi lại, trò chuyện, ăn uống bình thường và đã được xuất viện.
Theo bác sĩ Nhân, nguyên nhân của nhồi máu cơ tim là do sự tắc nghẽn đột ngột của mạch máu nuôi tim (động mạch vành) bởi cục máu đông. Nguyên tắc chung của điều trị là tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu vãn tối đa phần cơ tim do thiếu máu nuôi dưỡng, nằm xen lẫn với những vùng cơ tim đã chết vì hoại tử do thiếu máu.
Khi không thực hiện kịp thời quy trình cấp cứu hồi sức tim phổi cho các trường hợp người bệnh bị ngưng tim, ngưng thở thì nếu có cứu sống người bệnh cũng để lại nhiều di chứng, đặc biệt là đời sống thực vật hoặc ít hơn là suy tim sau này.
"Nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch, có đến 30% người bệnh tử vong trước khi đến bệnh viện. Đặc biệt, những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp là bệnh rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao trong những giờ đầu vì biến chứng loạn nhịp và choáng tim", bác sĩ Nhân cho biết thêm.
Các bác sĩ khuyến cáo, nhồi máu cơ tim có thể phòng ngừa được bằng cách điều trị tích cực các bệnh lý tim mạch liên quan. Bên cạnh đó là kết hợp với điều chỉnh lối sống khoa học lành mạnh, hạn chế các loại chất béo có hại có nhiều trong mỡ, da, phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò, thịt dê), lòng đỏ trứng; ăn giảm muối và tăng cường bổ sung chất xơ và các vitamin có nhiều trong rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt.
Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê; tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim như đau thắt ngực, đau ngực, khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn... thì người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch kịp thời, tránh biến chứng và tử vong do ngưng tim, ngưng thở... 

CODE STEMI là gì?

Là mô hình tiếp cận và can thiệp người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian tổn thương cơ tim, làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và các biến chứng về sau.

Khi nhận thông báo có người bệnh ngưng tim, đội phản ứng nhanh sẽ có mặt trong vòng 5 phút để cấp cứu. Sau khi cấp cứu xong, tùy theo bệnh lý, người bệnh sẽ được chuyển đến khoa điều trị thích hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.