Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã khắc phục hậu quả 1,8 tỉ đồng

17/05/2022 05:42 GMT+7

Ngày 16.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Bị cáo Trương Quốc Cường bị cáo buộc với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý dược (QLD - Bộ Y tế), Phó chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc (HĐXDT), nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm được giao, thiếu giám sát, kiểm tra nên đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện dẫn đến 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được nhập khẩu, tiêu thụ tại VN gây thiệt hại kinh tế và sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, bị cáo Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc giả dù đã nhận được cảnh báo về việc thuốc Health 2000 Canada không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường tại phiên tòa

Trần Cường

Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang bị quy trách nhiệm đứng đầu

Trả lời thẩm vấn tại tòa trước đó, bị cáo Cường nhận trách nhiệm của người đứng đầu Cục QLD, nhưng cho rằng phải làm rõ trách nhiệm cao nhất và cuối cùng của Chủ tịch HĐXDT cấp số đăng ký thuốc của Bộ Y tế là ông Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, đang bị tạm giam để điều tra một vụ án khác).

Nhóm luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Cường cũng cho rằng sai phạm của thân chủ xuất phát từ việc làm theo văn bản chỉ đạo của ông Quang. Theo LS, ông Cường đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình và cho rằng vụ án chưa đánh giá đúng tội của bị cáo Cường. Nếu phiên tòa này có mặt ông Quang thì sẽ làm rõ được hành vi của bị cáo Cường, bởi thời điểm đó, ông Quang là người có trách nhiệm cao nhất. Bị cáo Cường chỉ có trách nhiệm thành lập nhóm chuyên gia thẩm định và không có quy định bị cáo Cường phải kiểm soát hoạt động chuyên môn của các chuyên gia.

Phía bào chữa còn cho rằng ông Quang là người trực tiếp điều hành HĐXDT, nên việc thiếu trách nhiệm trong quá trình xét duyệt thuốc, không phát hiện sai phạm của các hồ sơ thuốc là của ông Quang, không phải bị cáo Cường. Bị cáo Cường không được giao xem xét nội dung pháp lý nên không phát hiện ra được các sai phạm của nhóm chuyên gia.

Sai vì làm theo sếp?

Đối với cáo buộc bị cáo Cường không cho dừng lưu hành thuốc giả khi nhận cảnh báo, LS cho hay Bộ Y tế Canada trả lời về nguồn gốc thuốc qua email, nhưng “không có dấu, không phải văn bản chính thức”; các cơ quan của Bộ Y tế đã phản hồi, đề nghị ra văn bản, nên bị cáo Cường cũng phải “chờ văn bản có tính pháp lý”. Về văn bản của Cục A83 - Bộ Công an, LS của bị cáo Cường phân tích cơ quan này ra văn bản với mục đích “xác minh dấu hiệu vi phạm”, không phải thông báo thuốc không nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, trước khi khởi tố vụ án, Cục QLD không nhận được thông tin vi phạm về thuốc từ các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường, thanh tra y tế cũng như các cơ quan khác, nên không đủ cơ sở kết luận bị cáo Cường có hành vi thiếu trách nhiệm.

LS bào chữa cho bị cáo Cường cáo buộc sai phạm của thân chủ bắt nguồn từ việc thực hiện theo văn bản trái pháp luật do ông Quang ký. LS đưa ra lập luận các giấy phép “lưu hành thuốc” và giấy chứng nhận “đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc” phải có hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng trong chính văn bản do ông Quang ký lại yêu cầu 2 giấy này không cần hợp pháp hóa, là trái với quy định của pháp luật.

Với mức án đề nghị từ 7 - 8 năm tù đối với bị cáo Cường, nhóm LS bào chữa cho rằng trong các bản tự khai, phúc cung, bị cáo Cường đều thẳng thắn thừa nhận, rất ăn năn và đã tự nguyện nộp 1,8 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Qua đó, các LS mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao thể hiện cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang thừa nhận trách nhiệm là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cấp số đăng ký thuốc nhưng để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý. Ngoài ra, ông Quang còn thừa nhận việc ký ban hành Công văn 2790 có nội dung “các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ thuốc không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự” là trái quy định của pháp luật.

Viện KSND tối cao xác định hành vi của ông Quang có dấu hiệu của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, do hết thời hạn điều tra nên cơ quan điều tra tách riêng vụ việc để xử lý sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.