Theo hãng tin Tân Hoa xã, ông Giang Trạch Dân đã qua đời lúc 12 giờ 13 ngày 30.11 tại Thượng Hải, sau thời gian mắc bệnh bạch cầu và suy đa tạng. Ông hưởng thọ 96 tuổi.
Cựu Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân |
Reuters |
Thông báo được đưa ra bởi Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cũng như Quân ủy Trung ương.
Sự ra đi của ông Giang Trạch Dân được công bố trong một bức thư gửi toàn đảng, toàn quân và toàn dân Trung Quốc, theo Tân Hoa xã.
Bức thư nói ông Giang Trạch Dân là nhà lãnh đạo kiệt xuất, có uy tín cao được toàn đảng, toàn quân và toàn dân Trung Quốc thừa nhận, nhà Mác-xít vĩ đại, nhà cách mạng vô sản vĩ đại, chính khách, chiến lược gia quân sự kiêm nhà ngoại giao, chiến sĩ cộng sản kiên trung và là nhà lãnh đạo xuất chúng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Ông là hạt nhân của thế hệ lãnh đạo tập thể thứ ba của đảng Cộng sản Trung Quốc và là nhà sáng lập chính của thuyết Ba đại diện.
Nguyên Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời |
"Việc đồng chí Giang Trạch Dân qua đời là một tổn thất không thể đong đếm với đảng, quân đội và nhân dân các dân tộc chúng ta. Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc biến đau thương thành sức mạnh, kế thừa di nguyện của đồng chí Giang Trạch Dân, đồng thời bày tỏ sự đau buồn bằng những hành động thiết thực", bức thư có đoạn.
Ông Giang Trạch Dân sinh ngày 17.8.1926 tại Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ông lấy bằng cử nhân ngành kỹ thuật điện tử tại Đại học Giao thông Thượng Hải năm 1947. Trong thời gian sinh viên, ông đã gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong những năm sau khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời, ông Giang đã đảm nhiệm các chức vụ quản lý tại các nhà máy ở Thượng Hải. Năm 1954, ông được điều động đến Nhà máy Ôtô số 1 ở Trường Xuân thuộc vùng đông bắc Trung Quốc. Năm sau, ông được cử sang Nhà máy Ôtô Stalin ở Moscow để học tập.Về nước, ông tiếp tục làm việc ở nhà máy tại Trường Xuân, rồi chuyển sang làm công tác nghiên cứu ở Thượng Hải và Vũ Hán.
Sau đó, ông chuyển sang làm việc trong các cơ quan trung ương, trong đó có giai đoạn là bộ trưởng Bộ Công nghiệp Điện tử. Đến năm 1982, ông được bầu vào Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội 12.
Năm 1985, ông trở thành thị trưởng kiêm phó bí thư thành phố Thượng Hải. Sau Đại hội 13 năm 1987, ông trở thành ủy viên Bộ Chính trị kiêm bí thư Thượng Hải. Đến năm 1989, ông được bầu làm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị kiêm tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông giữ chức tổng bí thư đến năm 2002. Ông cũng giữ chức chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1993 đến năm 2003 và chức chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 1989 đến năm 2004.
Dưới sự lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân, Trung Quốc tiếp tục đi sâu thực hiện "cải cách mở cửa", chứng kiến sự bùng nổ của "nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa", chứng kiến việc Hồng Kông và Macau được trao trả cho Bắc Kinh; cũng như hàn gắn quan hệ với Mỹ. Trong thời gian ông nắm quyền, Trung Quốc cũng đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 và giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh. Học thuyết nổi tiếng nhất của ông mang tên "Ba Đại diện" được đưa vào điều lệ đảng năm 2002, đứng chung với Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình.
Bình luận (0)