Ngày 21.3, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo. Sau khi luật sư bào chữa cho các bị cáo là cựu lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thì các bị cáo tự bào chữa bổ sung.
Tại tòa, tự bào chữa bổ sung, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) cho biết, tòa nhà tại số 19 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) hiện đang là trụ sở của SCB. Thời điểm SCB thuê tòa nhà này của con gái bị cáo Trương Mỹ Lan, phía SCB đã đặt cọc 300 tỉ đồng và đang thiếu tiền thuê nhà.
Khi được HĐXX hỏi muốn xử lý số tiền đặt cọc này thế nào, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, bị cáo không nhớ rõ các điều khoản của hợp đồng nên HĐXX căn cứ vào hợp đồng thuê 2 bên đã ký để xử lý khoản đặt cọc 300 tỉ đồng nói trên.
Bị cáo Văn giải thích thêm về việc thành lập 3 trung tâm kinh doanh (trực thuộc hội sở, có chức năng cho vay). Mặc dù không có con dấu và bộ phận kế toán nhưng 3 trung tâm kinh doanh này khi phát sinh khoản cho vay thì hồ sơ đều được lưu trữ tại chi nhánh hoặc hội sở (nơi mượn con dấu để cho vay).
Ngoài ra, các hồ sơ xuất phát từ 3 trung tâm kinh doanh này Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM có thể kiểm tra bất cứ lúc nào, dữ liệu cũng được truyền về các cơ quan quản lý.
Trương Mỹ Lan dành 1.650 tỉ đồng để khắc phục cho chồng và Trương Huệ Vân
Cuối phần bào chữa bổ sung, bị cáo Văn mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sự yêu thương, tha thứ của xã hội để sớm trở về với gia đình.
Trước đó, ở phần tự bào chữa bổ sung, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị giải tỏa kê biên tòa nhà 19 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). Bị cáo Trương Mỹ Lan nói căn nhà này được mẹ mua cho, nay mẹ bị cáo đã mất nên bị cáo muốn giữ căn nhà này cho các con của mình.
Các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều có điểm chung gì?
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn bị Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án chung thân về tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Cáo trạng xác định, bị cáo Văn giúp sức tích cực và đồng phạm với Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại hơn 60.502 tỉ đồng và liên đới chiếm đoạt hơn 192.434 tỉ đồng của SCB.
Cụ thể, bị cáo Văn được Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) tuyển vào làm việc tại SCB từ tháng 7.2013 với chức vụ Phó tổng giám đốc SCB. Đến tháng 12.2013, Trương Mỹ Lan đồng ý cho Văn làm Tổng giám đốc SCB, đến tháng 7.2020 thì nghỉ việc.
Mỗi khi cần tiền để sử dụng, Trương Mỹ Lan sẽ gọi điện trao đổi với Văn về việc rút tiền SCB thông qua khoản vay, và Trương Mỹ Lan đã có chủ trương, chỉ đạo để SCB giải ngân khoản vay nào đó cho bị cáo Lan sử dụng.
Bị cáo Văn biết số tiền sau khi giải ngân các khoản vay đứng tên các cá nhân, công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là để trả nợ cũ tại SCB, trả khoản vay ở ngân hàng khác, mua dự án mới, đầu tư vào dự án và sử dụng vào các mục đích khác của Trương Mỹ Lan. Cáo buộc thể hiện việc sử dụng tiền đều không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ vay.
Ngoài ra, để tránh sự kiểm tra giám sát hoạt động cho vay tại các chi nhánh SCB của Ngân hàng Nhà nước, Võ Tấn Hoàng Văn ký đề xuất để Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB) ký quyết định ngày 6.3.2020 thành lập 3 đơn vị gồm: Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale, Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối doanh nghiệp và Kênh kinh doanh trực tiếp, là bộ phận chuyên thực hiện các hồ sơ vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Cựu Chủ tịch SCB ‘không quậy phá’ bị đề nghị án chung thân, luật sư nói gì?
Theo cáo trạng, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn biết rõ các khoản vay này là của Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì đều có điểm chung là chỉ ký khống thủ tục, hợp thức hồ sơ cho vay để giải ngân, rút tiền khỏi SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. SCB không thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, phương án vay vốn, nhưng vẫn ký đồng ý cho vay đối với nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát là hành vi vi phạm pháp luật.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn còn đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên đoàn thanh tra theo sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Bình luận (0)