Cứu vãn bầu không khí

08/04/2019 04:41 GMT+7

Chưa đến mức "biến ngày thành đêm" như ở Bắc Kinh (Trung Quốc) nhưng người dân TP.HCM đã chứng kiến và trải qua một số ngày sương mù lạ lùng, nắng lên vẫn không tan.

Các chuyên gia sau đó lý giải là hiện tượng sương mù trộn lẫn các hạt bụi mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Tại Hà Nội, dù khẳng định “ngôi vị” số 2 trong bảng xếp hạng những TP ô nhiễm nhất Đông Nam Á là không có cơ sở, nhưng lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng thừa nhận, ô nhiễm gia tăng là có thật.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2018, ô nhiễm không khí khiến 7 triệu trẻ sinh non tử vong, trong đó có 1,5 triệu ca ở khu vực Nam và Đông Nam Á. Ở các thành phố lớn tại châu Á, cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở bầu không khí ô nhiễm gây nguy hại đến sức khỏe nghiêm trọng.
Cũng vì thế, sau khi nổi tiếng toàn cầu về tình trạng ô nhiễm, từ năm 2013, Bắc Kinh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường như hạn chế đốt than sưởi ấm, loại bỏ các phương tiện xả thải cao, đã đóng cửa một số nhà máy xi măng, nâng cấp gần 2.000 công ty để hạn chế phát thải với mục tiêu khiến bầu trời đầy khói bụi của nước này trong xanh trở lại.
Cuộc chiến chống ô nhiễm của Bắc Kinh cho thấy chống ô nhiễm phải đi từ gốc, nghĩa là phải xác định những nguồn nào gây ra ô nhiễm và đặt ra kế hoạch, mục tiêu cụ thể chứ không nói chung chung. Ví dụ, Hà Nội và TP.HCM đều đang có lượng xe cá nhân rất lớn, không chỉ gây kẹt xe mà còn là góp phần gây ô nhiễm môi trường từ khí thải.
Vậy ô nhiễm do xe cơ giới hiện nay là bao nhiêu? Mục tiêu là giảm xuống mức nào, bằng giải pháp gì, lộ trình ra sao...? Tất cả phải được cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện. Tương tự, ô nhiễm từ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm là bao nhiêu? Ngành nào có thể chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, ngành nào cần đóng cửa, ngành nào nói không ngay từ khi đệ đơn cấp phép đầu tư.
Bên cạnh đó, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo; tăng và trả lại mảng xanh cho người dân thay cho tình trạng xẻ thịt công viên tràn lan hiện nay...
Thực ra, những giải pháp này không có gì mới, chỉ có điều chúng ta chưa bao giờ quyết liệt trong thực hiện. Lấy ví dụ về kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới.
Đề án kiểm soát khí thải xe máy được Chính phủ phê duyệt từ năm 2000 với mục tiêu tới năm 2015 kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80 - 90% xe máy ở Hà Nội, TP.HCM thế nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện dù xe máy chiếm hơn 80% lượng khí thải từ phương tiện cơ giới đối với môi trường.
Hà Nội và TP.HCM đều lên kế hoạch, giải pháp hạn chế phương tiện xe cá nhân nhưng đều không hiệu quả do hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Rồi lâu lâu chúng ta lại nghe thông tin tỉnh này, tỉnh kia cấp phép một dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao...
Không chỉ trả giá bằng chính sức khỏe của bản thân và gia đình, trong xu hướng phát triển xanh hiện nay, một môi trường ô nhiễm cũng khó có thể thu hút đầu tư, lôi kéo du khách quốc tế đến với VN. Vì vậy, thay vì tranh cãi đứng ở vị trí số mấy trong bảng xếp hạng ô nhiễm, hãy nhanh chóng bắt tay vào cứu vãn bầu khí quyển mà chúng ta đang hít thở mỗi ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.