Đa cấp 'giăng bẫy' sinh viên: Hối thúc, hướng dẫn cầm xe máy đầu tư

09/05/2023 07:00 GMT+7

Để trở thành nhân viên chính thức của Chi nhánh (số 320/12 Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) thuộc Công ty CP Tập đoàn liên kết Việt Nam (viết tắt Vinalink Group, trụ sở chính ở Hà Nội), PV Thanh Niên được "sếp" cùng nhân viên ở đây hối thúc, hướng dẫn đi cầm cố xe máy, gom đủ 15 triệu đồng để đầu tư gói sản phẩm.

Chiêu lừa đa cấp: Ứng viên phải cầm xe để xin việc

Liên tục tung chiêu thao túng tâm lý

Ngày 12.4, nhân viên tư vấn tên Quang (20 tuổi) đưa chúng tôi đến gặp "giám đốc" tên Lan để xin một cơ hội trở thành nhân viên chính thức. Ban đầu, chúng tôi bị Lan từ chối, rồi hứa cho cơ hội cuối cùng vào ngày hôm sau. PV giãi bày: "Hôm sau, em bận đi thi môn quan trọng", thì Lan trả lời: "Cơ hội cuối cùng để em đổi đời. Mười người thì chỉ có một người được chị cho cơ hội. Phải biết nắm bắt".

Đa cấp 'giăng bẫy' sinh viên: Hối thúc, hướng dẫn cầm xe máy đầu tư - Ảnh 1.

Quang chạy chiếc xe biển số 82B2 - 087…, đưa PV đi cầm cố xe máy

TRẦN DUY KHÁNH

Nhưng theo tìm hiểu của PV, nhiều người đã làm tại đây cho hay đó là kịch bản được biên sẵn để đánh vào tâm lý người đi xin việc. "Ai vào cũng phải dính chiêu này của bà Lan khiến người đi xin việc đặt chân vào bẫy và nâng cao uy tín bà Lan", một người từng làm việc tại đây (nay đã nghỉ việc) cho biết.

Trong ngày 13.4, nhóm người của Chi nhánh Vinalink Group tiếp tục thao túng tâm lý PV khi cho gặp lần lượt 7 người được gọi là quản lý, quản lý cấp cao để nghe nói về điều kiện được trở thành nhân viên chính thức. Thực chất, theo kịch bản, những người này chỉ làm nhiệm vụ thăm dò ý kiến, khích tướng người xin việc, nói mấp mé: "Điều kiện này khó lắm đó, anh/chị nghĩ em không làm được đâu. Nói được mà không làm được kỳ lắm…". Đến 13 giờ cùng ngày, PV tiếp tục được đưa đi gặp 3 nữ quản lý cấp cao trong độ tuổi từ 18 - 20. Lúc này, nhóm nhân viên bắt đầu lộ rõ khi cho biết điều kiện duy nhất để được trở thành nhân viên là đầu tư 15 triệu đồng mua hàng của công ty. Suốt quá trình này, luôn có sự theo sát của giám đốc Lan.

Xem nhanh 20h ngày 8.5: Đa cấp giăng bẫy sinh viên | Thành phố ngập ngụa trong graffiti dởm

Quản lý tên Nhi bắt đầu rào trước đón sau: "Nghe tốn tiền em có sợ không? Em có sợ chỗ này lừa đảo em không? Em yên tâm, chỗ này nằm gần đồn công an, làm sao lừa đảo được. Công an vào đây mỗi ngày, nếu lừa thì lừa 1, 2 người làm sao lừa cả trăm người trong tòa nhà 3 tầng này được. Nếu lừa thì chị đã không còn ngồi đây và công ty này bị dẹp lâu rồi".

Đa cấp 'giăng bẫy' sinh viên: Hối thúc, hướng dẫn cầm xe máy đầu tư - Ảnh 2.

Thắng đã chuẩn bị sẵn bút, giấy... chờ “nhà đầu tư” về nộp tiền

Nhi dò hỏi hoàn cảnh gia đình, kiểm tra tiền mặt, ví tiền, kiểm tra số tài khoản và liệt kê các tài sản như nhẫn, vòng vàng, điện thoại, xe máy của PV rồi nói tiếp: "Ở đây, anh chị có 100 người, sẽ bày cho em 100 phương pháp để xoay vốn đóng tiền vào đây". Cùng lúc này, các nhân viên đứng gần PV ra rả về triết lý học đại học ra chưa chắc có việc làm và có việc làm thì lương cũng rất thấp… Quang nói vào tai PV: "Sếp Lan, 25 tuổi, một người không bằng cấp, nhưng mỗi tháng thu nhập hàng trăm triệu nhờ kinh doanh tại đây".

Nộp tiền nhưng không có biên lai chứng từ

Trong những ngày vào xin việc tại Chi nhánh Vinalink Group, PV nhận thấy nhóm nhân viên ở đây đều có kịch bản và sẵn sàng gợi ý, hướng dẫn người mới đến xin việc các cách xoay tiền đầu tư để trở thành nhân viên chính thức.

Một nhân viên quản lý khác tên Nhi (khoảng 20 tuổi) khuyên PV: "Với số tiền 15 triệu đồng, em chỉ có thể đóng học phí 1 học kỳ, trong khi học xong em cũng có thể thất nghiệp hoặc chỉ có thể làm công ăn lương. Nhưng số tiền này, em có thể đầu tư vào môi trường kinh doanh này, em sẽ được làm chủ, sẽ không cần làm gì nhiều mà vẫn nhanh giàu có. Đây là cơ hội cuối cùng, phải nắm bắt để đổi đời".

Sau một loạt những chiêu khích tướng, vẽ vời về cuộc sống màu hồng, cuối cùng, 15 giờ ngày 13.4, PV được Quang đưa đến gặp Thắng (19 tuổi). Theo lời đồn của những thành viên, Thắng là người rất giỏi, vào làm mới hơn 1 tháng đã lên chức quản lý cấp cao vì đã đầu tư gói sản phẩm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Lúc này, thấy PV đã sập bẫy, nhóm nhân viên không còn dè chừng, tung chiêu thu tiền. Biết trong tài khoản và trong ví của PV không đủ tiền, Thắng thúc PV nên cầm cố xe máy, điện thoại đủ 15 triệu đồng trước 16 giờ cùng ngày thì mới trở thành nhân viên chính thức của công ty. Thắng vừa dứt câu thì Quang đưa PV xuống nhà xe, dắt chiếc xe máy của PV, đưa đến một tiệm cầm đồ (trên đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú, TP.HCM), cầm với giá 15 triệu đồng. Nhận tiền xong, đúng 16 giờ, Quang điều khiển xe máy biển số 82B2 - 087… chở PV quay về lại Chi nhánh Vinalink Group thì Thắng đã bày sẵn giấy, bút...

Câu đầu tiên, Thắng yêu cầu PV nộp ngay số tiền vừa cầm xe cho Thắng. Đổi lại, Thắng đưa cho PV một tờ giấy A4 gọi là đơn mua hàng và một vị trí làm nhân viên chính thức.

Gọi là đơn mua hàng, nhưng thực chất chỉ là một tờ giấy có vài dòng trống để điền thông tin cá nhân của người mua, ngoài ra không có thông tin bên bán hàng, không có tên hàng hóa, không có tên công ty cung cấp hàng hóa và không có giá trị hàng hóa… Thắng thừa nhận, sau khi nộp 15 triệu đồng, người nộp tiền cũng không nhận được bất kỳ hợp đồng, biên lai xác nhận, chứng minh đã đóng tiền, mà toàn bộ đều do công ty giữ.

Phát hiện những điểm bất hợp lý, PV đòi tiền lại và thắc mắc: "Vì sao đến xin việc làm lại phải nộp tiền mua hàng? Vì sao khi tuyển lao động lại đưa địa chỉ ảo? Vì sao không được biết hàng hóa là gì? Đóng tiền mua hàng, nhưng vì sao không có hóa đơn xác nhận?...".

Đa cấp 'giăng bẫy' sinh viên: Hối thúc, hướng dẫn cầm xe máy đầu tư - Ảnh 3.

Lúc này, Thắng ấp úng: "Hôm nay, em cứ yên tâm giao hết tiền cho anh. Đừng sợ không nhận được hàng, khi nào trở thành nhân viên, bên anh sẽ cho em biết hàng. Lúc đó, em sẽ biết hàng gì. Đầu đường là đồn công an, nếu sau này thấy bị lừa, em cứ đến đó báo công an". PV hỏi: "Tôi còn không được giữ tờ đơn, không có giấy tờ xác nhận đã nộp, nhận tiền, không có thông tin công ty... Vậy, tôi lấy chứng cứ gì làm việc với công an?". Không thể trả lời được những câu hỏi của PV, Thắng cầu cứu giám đốc Lan.

Qua xác minh, PV Thanh Niên xác định Vinalink Group là 1 trong 20 công ty được Bộ Công thương cấp phép hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, một số sinh viên bị dẫn dắt đầu tư đa cấp vào công ty này nộp đơn tố cáo lên cơ quan quản lý về những bất thường, có dấu hiệu vi phạm Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tại khoản 1 điều 5 của Nghị định 40/2018/NĐ-CP những hành vi doanh nghiệp bán hàng theo phương thức đa cấp bị nghiêm cấm như: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp… Từ những dấu hiệu trên, một số sinh viên yêu cầu cơ quan quản lý vào cuộc điều tra, xác minh về hoạt động đa cấp tại Vinalink Group.

Công Nguyên

Trước những câu hỏi của PV, "sếp" Lan cũng tỏ ra lúng túng. Lan giải thích trong tờ đơn không ghi tên hàng hóa bởi vì số tiền 15 triệu đồng không thể mua được bao nhiêu hàng hóa nên không đáng nhắc tới, còn việc không có hóa đơn xác nhận đã nhận tiền thì Lan lấp liếm: "Giờ, mày xuống căn tin mua chai nước, cô căn tin có viết đơn xác nhận cho mày không?". Lan tiếp tục bực tức, buông những lời khó nghe, yêu cầu PV ra khỏi công ty… (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.