Lãng phí ngàn tỉ đồng
Khoản 2, điều 12 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô mà Bộ GTVT mới trình Thủ tướng quy định: Thiết bị giám sát hành trình gắn trên ô tô có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe và đảm bảo theo lộ trình. Bộ GTVT còn đề xuất thêm nội dung dữ liệu hộp đen phải lưu trữ như thông tin về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày và đề nghị bổ sung xe trung chuyển vào loại phương tiện phải gắn hộp đen.
tin liên quan
Lắp camera xử lý xe quá tảiÔng Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, đánh giá đây là một đề xuất bất hợp lý, làm tăng chi phí của các doanh nghiệp (DN), HTX vận tải, lãng phí chi phí xã hội, quan trọng nhất là không đạt được mục tiêu quản lý. Ông phân tích: Hộp đen (GPS) là thiết bị kiểm soát tốc độ, hành trình tốt nhất, giải pháp hữu hiệu để xử lý nạn xe "dù" bến "cóc"; nhưng sau thời gian áp dụng quy định của Bộ, tất cả mục tiêu trên đều không hoàn thành. Trên thực tế xe "dù" bến "cóc" vẫn ngang nhiên hoạt động, số lượng các vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn chưa giảm, và đặc biệt các phương tiện gây tai nạn nghiêm trọng hầu hết đều là xe có gắn GPS theo đúng quy định.
Nguyên nhân là bộ máy nhà nước không bố trí đủ nhân lực và thời gian để kiểm soát tất cả các xe chạy đúng tuyến hay không, tốc độ như thế nào... Việc kiểm tra trực tuyến tại Tổng cục Đường bộ xem tài xế nào đang chạy nhanh để yêu cầu giảm tốc độ, cảnh báo nguy hiểm cũng chưa thực hiện được. Chưa kể việc cùng lúc mấy trăm ngàn phương tiện truyền thông tin về khiến đường truyền tại Tổng cục Đường bộ tắc nghẽn, nhiều trường hợp còn dẫn đến tranh cãi không đáng có giữa DN, HTX và cơ quan quản lý.
Một chuyên gia về GPS nhấn mạnh kiểm soát, quản lý phương tiện qua GPS quan trọng nhất là đảm bảo 3 yếu tố: tốc độ vận hành, thời gian hoạt động của lái xe và chạy đúng hành trình. Hộp đen gắn trên các phương tiện hiện nay cung cấp đầy đủ 3 thông tin trên, nhưng ngoài hệ thống quản lý xe buýt tại TP.HCM, cơ quan chức năng hầu hết chưa sử dụng được tối đa công năng của thiết bị này vì chưa có lực lượng quản lý trực tuyến.
Xóa bỏ kinh tế chia sẻ
Góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) đánh giá quy định “đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cho cả chuyến xe; đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng” đã can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN, gây lãng phí nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Cụ thể, quy định này sẽ hạn chế quyền đi chung xe để chia sẻ chi phí của hành khách, DN không được kinh doanh khai thác những tuyến đường có lợi thế kinh doanh, chẳng hạn ký hợp đồng vận chuyển với nhiều người cùng một lúc để đi một tuyến đường nhất định.
Bên cạnh đó, yêu cầu DN phải thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông tin về hành trình, thời gian thực hiện và lái xe phải mang theo hợp đồng vận tải, danh sách hành khách, theo ông Lê Trung Tính là không cần thiết, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính cho DN. Những quy định này đã được nhiều DN, hiệp hội vận tải góp ý, đề xuất bỏ từ lâu nhưng vẫn tiếp tục có trong bản dự thảo nghị định.
Theo tính toán của đơn vị soạn thảo, sẽ có trên 340.000 ô tô kinh doanh vận tải phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị hộp đen để đáp ứng yêu cầu về cung cấp hình ảnh lái xe. Với giá thiết bị hộp đen từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/chiếc, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng, tổng chi phí lắp đặt thiết bị mới lên tới khoảng 1.500 - 1.900 tỉ đồng kèm theo chi phí duy trì máy chủ và đường truyền khoảng 500 tỉ đồng/năm.
|
Bình luận (0)