Đã công khai cần chính xác

28/07/2016 06:00 GMT+7

Lãnh đạo một công ty có tên trong danh sách 77 dự án thế chấp ngân hàng bức xúc rằng, việc không phân biệt mục đích thế chấp cũng như sự thiếu chính xác của danh sách này làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Trước tiên, phải khẳng định việc DN thế chấp, giải chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường. Chủ đầu tư dự án đã thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê với điều kiện phải được ngân hàng (NH) nhận thế chấp có văn bản chấp thuận. Tuy nhiên, việc thực hiện công khai các dự án thế chấp NH của Sở TN-MT TP.HCM lần này là bởi trước đó xảy ra tình trạng một số chung cư đã bán nhà cho khách nhưng bị NH siết nợ, khiến người mua nhà hoang mang, lo lắng. Do quy định hiện hành không bắt buộc chủ đầu tư phải công bố lịch sử thế chấp tài sản tại các tổ chức tín dụng nên người mua nhà muốn kiểm tra cũng hết sức khó khăn. Vậy nên UBND TP.HCM đã giao cho các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu thực hiện đăng tải công khai, minh bạch thông tin liên quan đến vấn đề này để hạn chế thấp nhất thiệt hại của người dân. Nói thế để thấy, chủ trương công khai thông tin là hết sức cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa các dự án bị đưa vào danh sách này có độ rủi ro cao, tạo cho người mua tâm lý cảnh giác. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất khi "lên" danh sách là độ chính xác để vừa bảo vệ được người mua nhà mà không ảnh hưởng đến uy tín của DN. Thế nhưng danh sách các dự án thế chấp NH vừa qua lại "gom" vào một giỏ: từ các dự án thế chấp để thực hiện bảo lãnh cho người mua nhà theo quy định của pháp luật cho đến dự án có khách hàng mua nhà tự thế chấp căn hộ của mình đều bị đưa vào "bảng phong thần". Cách làm này khiến người mua nhà càng thêm hoang mang vì có khá nhiều những thương hiệu lớn, tạo dựng được uy tín trên thị trường cũng bị liệt vào dạng rủi ro.
Sự việc trên khiến người ta nhớ đến lần bêu tên các DN chây ì nợ thuế thực hiện trước đó. Ngay sau khi đăng tải, rất nhiều công ty đã phản ứng gay gắt vì họ không hề nợ nần gì nhà thuế. Sự nhầm lẫn này cũng ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cũng như hoạt động kinh doanh của DN.
Trở lại với danh sách 77 dự án thế chấp NH, đến hôm qua vẫn có thêm nhiều DN phản ứng, thậm chí làm văn bản khiếu nại đến Sở TN-MT vì thông tin công bố. Ở ngoài thị trường, khách hàng hốt hoảng gọi điện tứ tung... Điều này cũng dễ hiểu. Sau hàng loạt dự án bỏ hoang; dự án người dân đã vào ở rồi vẫn bị NH siết nợ; những chủ đầu tư bỏ trốn ôm theo tiền của người mua nhà... lòng tin của người mua đã giảm sút trầm trọng. Vì vậy, chỉ một thông tin thiếu chính xác có thể làm khách hàng quay lưng khiến DN lao đao, khó ăn, khó nói.
Đã công khai thì phải chính xác, công bằng và đầy đủ. Có thế DN mới tâm phục, khẩu phục, mới bảo vệ được người mua nhà và tạo sự minh bạch, bền vững cho thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.