Sáng nay 16.9, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu tiếp tục diễn ra phiên thảo luận chuyên đề 3 về "Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững", với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, trong đó có hơn 200 nghị sĩ trẻ đến từ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).
Vai trò của đa dạng văn hóa ngày càng quan trọng
Phát biểu đề dẫn thảo luận, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc như hiện nay, vai trò của đa dạng văn hóa ngày càng quan trọng. Chấp nhận, tôn trọng và phát huy sự đa dạng văn hóa giúp tăng cường sự đối thoại giữa các nền văn minh, thúc đẩy sự hiểu biết và gia tăng sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc.
Ông Sơn cho biết, Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng nghìn năm. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em. Cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đều chung một ý thức quốc gia, dân tộc, đều chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà nước Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt "lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững".
Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định những định hướng lớn, quan trọng trong quá trình phát triển đất nước Việt Nam, trong đó nổi bật có những nội dung liên quan đến phát huy đa dạng văn hóa, tôn trọng văn hóa các dân tộc, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể, cương lĩnh nêu rõ: "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.
Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao".
Theo ông Sơn, Quốc hội Việt Nam quan tâm, chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành chính sách nhằm thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. Hiến pháp - đạo luật gốc có giá trị pháp lý cao nhất khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc, trong đó nhấn mạnh các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
Những thách thức phi truyền thống
Ông Sơn cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự nghiệp phát triển văn hóa đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, được cộng đồng các dân tộc Việt Nam và bạn bè, tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 di sản tư liệu thế giới, 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 3 công viên địa chất toàn cầu, 1 thành phố sáng tạo (trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO), đóng góp hết sức quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, các địa phương sở hữu di sản nói riêng.
Đồng thời, ông Sơn khẳng định: "Ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình, Việt Nam đã chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế đa phương, góp phần phát huy, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa trên quy mô khu vực và quốc tế".
Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, 2 lần được bầu vào Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa các nhiệm kỳ 2011 - 2015 và 2021 - 2025. Trên cơ sở Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển Bộ chỉ số văn hóa quốc gia để đo lường, đánh giá đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Sơn cho rằng, đa dạng văn hóa được xem là nguồn lực cho sự phát triển của thế giới hiện tại cũng như trong tương lai. Tuy nhiên, đa dạng văn hóa ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là những thách thức phi truyền thống của một kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc.
"Chính vì vậy, tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, phiên thảo luận toàn thể 3 với chủ đề "Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững" hôm nay hết sức có ý nghĩa", ông Sơn nhận định.
Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức
Ông Sơn đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số và toàn cầu hóa.
Trong đó, 4 nội dung được đưa ra gồm: hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa, tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Các kết quả thảo luận sẽ được ban tổ chức tổng hợp, đưa vào dự thảo tuyên bố chung hội nghị.
Đại diện nước chủ nhà, ông Sơn gợi mở một số đề xuất để đại biểu trao đổi. Trong đó, cần khẳng định vai trò, giá trị của văn hóa như một động lực của phát triển bền vững và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc. Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, đưa văn hóa trở thành mục tiêu độc lập của phát triển bền vững.
"Nghị viện các quốc gia chính là nhân tố chủ chốt trong việc khẳng định và phát huy vai trò của văn hóa đối với phát triển bền vững, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ chính sách lấy con người làm trung tâm, hỗ trợ nền tảng cho các đối ngoại song phương và đa phương, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa, hòa bình và gắn kết giữa các cộng đồng, quốc gia", ông Sơn đề xuất.
Bình luận (0)