Đã đến lúc hình sự hóa tội làm giàu bất hợp pháp?

04/02/2025 12:01 GMT+7

Nhóm nghiên cứu độc lập do Bộ Tư pháp tuyển chọn, kiến nghị nghiên cứu hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, giống như nhiều quốc gia đã áp dụng.

Bộ Tư pháp mới đây công bố báo cáo nghiên cứu của nhóm chuyên gia độc lập do bộ này tuyển chọn, về kinh nghiệm pháp luật quốc tế trong xử lý hình sự đối với tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng.

Tại báo cáo, nhóm nghiên cứu kiến nghị hàng loạt chính sách nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, trong đó có việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp.

Đã đến lúc hình sự hóa tội làm giàu bất hợp pháp?- Ảnh 1.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị kỷ luật vì kê khai tài sản không trung thực

ẢNH: T.N

Hình sự hóa tội làm giàu bất hợp pháp là hết sức cần thiết

Theo nhóm nghiên cứu, làm giàu bất hợp pháp hiểu theo nghĩa rộng là việc giàu có hoặc gia tăng tài sản một cách đáng kể mà không lí giải được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó. Thực chất nguồn gốc hay cách thức tạo ra các tài sản là từ những hành vi bất hợp pháp.

Ở góc độ hẹp hơn, Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) định nghĩa làm giàu bất hợp pháp là tài sản của công chức tăng lên một cách đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ mà không giải thích được một cách hợp lý cho việc tăng tài sản đó. Thực tiễn chống tội phạm trên thế giới cho thấy, làm giàu bất hợp pháp chủ yếu bắt nguồn từ việc thực hiện tội phạm có tổ chức và tội phạm tham nhũng.

Từ thực tế trên, bên cạnh việc đặt ra nghĩa vụ hình sự hóa các hành vi tham nhũng truyền thống như tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản khác, hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi..., UNCAC coi hành vi làm giàu bất hợp pháp là một loại hành vi có bản chất tham nhũng và khuyến nghị các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi này.

Nhóm nghiên cứu cũng cho hay, hiện trên thế giới đã có nhiều quốc gia quy định về hành vi làm giàu bất chính, như Argentina, Zambia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Brunei, Singapore …

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm tham nhũng, đồng thời phù hợp với chuẩn mực quốc tế cũng như xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới, nhóm nghiên cứu cho rằng việc nghiên cứu để hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp là hết sức cần thiết.

Tuy vậy, giải pháp này có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào sự hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để bảo đảm đồng bộ về thể chế, cơ chế trong đăng ký tài sản, giao dịch; kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; thanh toán không dùng tiền mặt; nhận thức của người dân…

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, là một trong những người từng nhiều lần đề nghị nghiên cứu hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính và nhận quà biếu có giá trị lớn.

Ông Độ nói, ở nhiều quốc gia, cán bộ nhận quà biếu giá trị 100 - 200 USD là phải khai báo, thậm chí nộp vào ngân sách. Họ được giáo dục về đạo đức, để nhận thức mình đang làm nhiệm vụ do nhà nước và nhân dân giao phó, không thể dùng chức tước ấy mà tư lợi, hưởng những lợi ích không phải do sức mình tạo ra.

Tương tự, với tài sản vượt quá khả năng thu nhập mà cán bộ không luận giải, chứng minh được nguồn gốc, Nhà nước hoàn toàn có thể xử lý về tội làm giàu bất chính. Ngoài xử lý hình sự, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tài sản.

Với bối cảnh như hiện nay, ông Độ nhận định việc bổ sung quy định về tội danh nêu trên sẽ là "liều thuốc mạnh", tạo sự răn đe, giúp công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn.

Đã đến lúc hình sự hóa tội làm giàu bất hợp pháp?- Ảnh 2.

Việc hình sự hóa tội làm giàu bất hợp pháp được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng (ảnh minh họa)

ẢNH: T.N

Thu hồi tài sản không thông qua kết tội

Vẫn theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, một trong những thách thức lớn của công tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có hiện nay là việc xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội.

Biện pháp tịch thu tài sản truyền thống (thông qua bản án của tòa) càng khó phát huy hiệu quả nếu người bị buộc tội mất tích, bỏ trốn, chết, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự…

Hay như một số vụ án có hành vi tham nhũng kết hợp với thủ đoạn rửa tiền, tẩu tán tài sản, ngay cả khi chứng minh được tội phạm thì việc truy nguyên dấu vết tài sản vẫn rất khó. Nhiều trường hợp tài sản bị chuyển ra nước ngoài đã được phong tỏa nhưng không thể thu hồi.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải có những bước đi mang tính đột phá, mà một trong những biện pháp được pháp luật của nhiều quốc gia ghi nhận gần đây là việc thu hồi tài sản không qua kết tội.

Với hình thức này, tịch thu tài sản vẫn có thể tiến hành ngay cả khi người phạm tội chưa bị hoặc không bị kết án. Tòa án sẽ xem xét và chấp nhận các bằng chứng được cho là có ưu thế hơn (mức độ tin cậy, thuyết phục) về nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản khi chủ sở hữu không thể chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Căn cứ tịch thu tài sản còn có thể dựa trên dấu hiệu làm giàu bất chính hoặc nguyên tắc không ai được hưởng lợi từ tài sản có được một cách bất hợp pháp và không chứng minh được nguồn gốc của tài sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.