Đã đến lúc thay đổi mục tiêu học tập của UNESCO: Học không phải để biết?

23/11/2022 08:15 GMT+7

Hiện mục tiêu học tập theo tổ chức Giáo dục , Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vẫn là: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định bản thân. Nhưng nên chăng đã đến lúc cần thay đổi?

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay với những thành tựu đột phá của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) đã biến đổi sâu sắc mọi hoạt động, hình thái kinh tế xã hội, đặc biệt là giáo dục đào tạo. Thế giới ngày càng biến động phức tạp, thay đổi rất nhiều và rất nhanh.

Học sinh cần học để nắm được cách biết tìm tri thức, hướng dẫn xử lý kịp thời các vấn đề xảy đến

nhật thịnh

"Học để biết" đã trở nên lỗi thời

Để tồn tại và phát triển, con người cũng cần phải biết nhiều, biết nhanh và học hỏi liên tục, không chỉ biết những điều được dạy và phải nhanh chóng làm được những việc cần phải làm mà chưa được dạy. Vì vậy, 2 mục tiêu đầu cần phải nâng cao:

Học để biết thành Học CÁCH BIẾT

Học để làm thành Học CÁCH LÀM

"Học để biết" đã trở nên lỗi thời bởi với những công cụ tìm kiếm thông minh và hỗ trợ của các phần mềm AI, chúng ta không cần biết trước quá nhiều tri thức chưa cần và có thể tương lai là vô dụng. Mà chúng ta cần nắm được cách biết tìm tri thức, hướng dẫn xử lý kịp thời các vấn đề xảy đến với ta…

80% việc làm hiện nay sẽ được loại bỏ hoặc thay thế bằng robot

"Học để làm" nhưng không phải việc nào ta cũng phải học để làm vì nếu môi trường làm việc không còn việc đó mà yêu cầu người lao động phải làm việc khác mà ta không nhanh chóng biết làm thì sẽ bị đào thải... Có một lưu ý quan trọng là 80% việc làm hiện nay sẽ được loại bỏ hoặc được robot, máy in 3D đảm nhiệm trong 10-15 năm tới. Vì vậy, thay vì dành thời gian học để làm một việc, ta có thể học cách làm 3-4 việc cũng với từng đó thời gian. Khi đã biết cách làm thì dễ dàng để chuyển đổi, tiếp cận cái mới, nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu để trở nên thành thạo.

Công nghệ đã biến đổi sâu sắc mọi hoạt động, hình thái kinh tế xã hội, đặc biệt là giáo dục đào tạo

đào ngọc thạch

Kết nối và phát triển

"Học để chung sống" không chỉ để chung sống “hòa bình” mà rất cần phải nâng tầm thành học để KẾT NỐI tăng cường quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống, gia tăng hiệu quả học tập và làm việc.

"Học để khẳng định bản thân" cần hướng đến thực chất, giúp phát triển sự nghiệp ổn định vững chắc. Cũng cần nói thêm, ở Việt Nam đang có xu hướng “khẳng định bản thân” qua bằng cấp, công trình từ các tổ chức giả, rởm bằng mọi giá. Nên chăng mục tiêu này cần nâng tầm "học để PHÁT TRIỂN bản thân" mà cốt lõi là năng lực sáng tạo.

Học để kết nối nhằm tăng cường quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống

ngọc dương

Người học cần thay đổi

Để đạt được các mục tiêu học tập trên, người học cần phải rèn luyện các năng lực cốt lõi nhất, bao gồm:

Năng lực tự học: khả năng tìm kiếm nhanh, đúng thông tin cần biết; học hỏi mọi lúc, mọi nơi...

Năng lực kết nối: khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, tạo dựng các quan hệ online, offline hỗ trợ tích cực cho công việc và cuộc sống…

Năng lực sáng tạo: khả năng tư duy phát triển các ý tưởng mới, giải pháp mới cùng khả năng xử lý, giải quyết vấn đề sáng tạo...

Các thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ đã và đang tạo môi trường, điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc rèn luyện các năng lực trên cho trẻ em ngay từ mẫu giáo, tiểu học và tiếp tục tăng cường ở các bậc học cao hơn cho đến suốt đời.

Nên chăng mục tiêu học tập mới ở giai đoạn này phải là:

Học CÁCH BIẾT

Học CÁCH LÀM.

Học để KẾT NỐI

Học để PHÁT TRIỂN bản thân

GS.TSKH Hoàng Văn Kiếm - nguyên chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Công nghệ thông tin, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ thông tin thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.