Đã đến lúc tính chuyện 'mở cửa' kinh tế TP.HCM?

01/09/2021 11:45 GMT+7

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề nên hay không nên tính chuyện mở cửa lại kinh tế TP.HCM trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright xung quanh việc này. Theo ông Tuấn, trong vòng 2 tháng tới, thành phố sẽ đạt 70 - 80% tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 2 và đây là một trong những tín hiệu khả quan để cân nhắc việc mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian “ngủ đông” quá dài.

Bản tin Covid-19 ngày 1.9: Việt Nam thêm 11.434 ca nhiễm mới; đã tiêm hơn 20 triệu liều vắc xin

Kết luận tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với 1.269 xã, phường, quận, huyện… của 20 tỉnh, thành sáng 29.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

NVCC

Chậm trễ sẽ đánh mất cơ hội!

* Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, theo ông, liệu có phù hợp để TP.HCM tính đến việc xây dựng kịch bản mở cửa kinh tế?
- Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Hiện số ca lây nhiễm hằng ngày tại TP.HCM vẫn ghi nhận ở mức rất cao. Cũng chưa có đủ cơ sở để dự báo khi nào TP.HCM đạt đỉnh dịch. Tuy nhiên, có một tín hiệu khá tích cực là khi TP.HCM thực hiện các đợt lấy mẫu xét nghiệm truy vết cộng đồng thì những ca nhiễm tăng theo. Tức là việc mở rộng quy mô xét nghiệm cộng đồng đã phát huy hiệu quả, chúng ta bóc tách ngày càng tốt và kiểm soát được số ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là tín hiệu tốt về chuyển động tích cực của dịch bệnh trong thời gian tới.
Thực tế, dù tình hình diễn biến như thế nào thì việc tính đến xây dựng lộ trình nới lỏng giãn cách, mở cửa nền kinh tế ngay từ bây giờ là rất quan trọng. Cơ hội cho sự phục hồi không phải chỉ của riêng Việt Nam mà của tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Nếu chúng ta chậm trễ, bỏ lỡ cơ hội để đón đầu sự mở cửa thì sẽ chuyển cơ hội về tay các nhà đầu tư khác trong khu vực. Các đơn hàng dệt may, da giày của doanh nghiệp Việt sẽ chuyển về Bangladesh, du khách sẽ chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan, Singapore… Từ sản xuất cho tới thương mại, dịch vụ... các doanh nghiệp sẽ định vị lại cấu trúc, định vị lại công xưởng của toàn khu vực.
Một khi đã bỏ lỡ rồi, Việt Nam sẽ rất khó tìm kiếm được cơ hội khác để lấy lại những đơn hàng đó, những vốn đầu tư đó. Vì thế, chính quyền TP.HCM cần chuẩn bị tốt cho việc mở cửa ngay từ lúc này, không phải đợi đến khi mở mới tiến hành làm. Quan trọng là xác định rõ tiêu chí để sẵn sàng mở cửa và mở như thế nào.
* Bài học từ Anh, Mỹ, Pháp và rất nhiều quốc gia chỉ ra rằng mở cửa kinh tế đồng nghĩa với việc phải đối mặt với rủi ro dịch bệnh bùng phát trở lại. TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ phải làm thế nào để kiểm soát rủi ro, tiến tới sống chung với dịch bệnh?
- Đúng vậy! Cũng như các nước khác trên thế giới, chúng ta phải xác định khi nới lỏng, số ca nhiễm sẽ đi ngang hoặc tăng lên. Vì thế, chỉ khi đạt được các điều kiện về y tế và kinh tế thì mới có thể đi đến quyết định mở cửa, sống chung với dịch bệnh.
Về y tế, tiêu chí quan trọng hàng đầu là tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 2. Tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người dân TP.HCM hiện khá cao, đã đạt 82% nhưng tỷ lệ tiêm mũi 2 lại rất thấp, chỉ 3,7%. Để đạt bao phủ 70% dân số trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi, với năng lực tiêm 100.000 mũi/ngày như hiện nay, thành phố sẽ mất khoảng 50 ngày với điều kiện luôn có đủ nguồn vắc xin. Theo lộ trình tiêm vắc xin 4 giai đoạn mới đây mà lãnh đạo thành phố đưa ra, đến ngày 15.10, tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin của TP.HCM sẽ đạt 80% và đến ngày 31.12 đạt 100%. Đây là kịch bản lý tưởng. Như vậy, trong khoảng 2 tháng nữa, TP.HCM sẽ đáp ứng tiêu chí đầu tiên để có thể mở cửa. Việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi cũng phải tính đến ngay từ bây giờ để lên phương án tiêm và chủ động tìm kiếm nguồn vắc xin cho trẻ.
Một yếu tố rất quan trọng khác cần tính đến là năng lực của hệ thống y tế đã được tái lập chưa. Khi số ca nhiễm tăng lên sau nới lỏng, năng lực xét nghiệm, cách ly, cấp cứu, điều trị, nhất là điều trị các ca bệnh nặng… đảm bảo đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh các số liệu về dịch tễ, cần có số liệu về kinh tế và lao động. Trong đó, phải đánh giá lại tình trạng của các ngành hiện nay. Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, đang cầm cự, tạm dừng hoạt động trong các ngành/lĩnh vực như thế nào; khả năng kết nối lại thị trường lao động ra sao khi nguồn cung lao động thời gian qua bị đứt gãy; số liệu về tổng nợ, cho vay, nợ xấu, lãi suất theo các nhóm ngành… tất cả số liệu phải cập nhật hơn, thậm chí nửa tháng một lần thay vì một tháng hay một quý như trước để cơ quan quản lý kịp thời có thông tin, ra quyết định.
* Trong trường hợp TP.HCM đáp ứng đủ các điều kiện mà ông vừa nêu ra, theo ông, việc mở cửa cần cân nhắc các vấn đề nào để đạt hiệu quả cao nhất?
- Tất nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm và có lộ trình cụ thể. Thứ nhất, độ mở kinh tế của TP.HCM cũng như Việt Nam rất lớn. Vì vậy, đầu tiên cần xem xét đến triển vọng của các nền kinh tế trên thế giới, nhất là các đối tác thương mại và đầu tư lớn với Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN… Mở cửa, sản xuất trở lại nhưng nếu các thị trường này chưa hồi phục, tiếp tục lock-down thì chúng ta cũng không thể “chơi 1 mình”. Vì vậy, phải bám sát hoạt động của các nền kinh tế đó.
Thứ hai, để tạo tiền đề cho giai đoạn mở cửa tới đây (triển vọng là 2 tháng) thì ngay từ bây giờ, phải xử lý triệt để các vấn đề mang tính bàn giấy, tức các thủ tục, vướng mắc về pháp lý. Chẳng hạn như các nút thắt về chính sách đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… phải tháo gỡ để khi cơ hội mở ra là phải tận dụng luôn, thực thi được ngay, nhất là trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu không, sẽ rất lãng phí thời gian quý báu.
Đào tạo lại lao động cũng là một yêu cầu cần đặt ra lộ trình thực hiện sớm. Các doanh nghiệp sau đại dịch sẽ tái cấu trúc một cách rất mạnh mẽ. Do đó, lao động đứng trước thách thức tìm kiếm được việc làm mới. Nếu không đào tạo lại lao động, chúng ta cũng sẽ đánh mất cơ hội để sớm đưa nền kinh tế lên quỹ đạo tăng trưởng nhanh để bù đắp cho giai đoạn sụt giảm vừa qua.
Cuối cùng, đây là thời điểm để địa phương cũng như Chính phủ xây dựng đề án, đưa ra lộ trình tái cấu trúc các ngành/các lĩnh vực của nền kinh tế theo định hướng ưu tiên phát triển của địa phương. Trước đây chúng ta nói tái cấu trúc nhưng có nhiều lực cản khiến cho mục tiêu khó đạt được. Trải qua “cơn bão” Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn năng lực, tạm ngưng hoạt động, thậm chí phá sản. Đây là cơ hội chọn lọc ra những ngành, những lĩnh vực có lợi thế và tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư, hỗ trợ, dựa trên tiêu chí cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế. Theo đó, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế hậu phục hồi sẽ tập trung vào những ngành/lĩnh vực theo định hướng phát triển của nền kinh tế.
Chẳng hạn, nếu định hướng đẩy mạnh các ngành giảm tiêu hao nhiên liệu, năng lượng, ô nhiễm môi trường… thì sẽ hướng các chính sách hỗ trợ vào lĩnh vực đó, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, tự động hóa trong sản xuất. Các chính sách thuế ưu đãi phục hồi, lãi suất ưu đãi, các chi phí tái thiết lập thị trường lao động và chuỗi cung ứng sẽ chỉ tập trung cho các hoạt động mang tính chất tái tạo, phục hồi - các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực định hướng phát triển mạnh trong tương lai.

Nên ưu tiên tiêm đủ 2 liều vắc xin cho lực lượng công nhân tham gia vào chuỗi sản xuất hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm

Chí Nhân

Ưu tiên chuỗi sản xuất, cung ứng hàng thiết yếu

* Vậy lộ trình mở cửa, theo ông...
- Là phải rất rõ ràng, chi tiết. Trong đó, việc đầu tiên là phải nới lỏng biện pháp kiểm soát đi lại của người dân, trước hết là ưu tiên cho những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin. Ngay lúc này có thể tính đến phương án tiêm vắc xin tăng cường theo khuyến cáo cho những nhóm đối tượng có rủi ro tiếp xúc lớn. Nới lỏng dần ưu tiên theo vùng xanh, đến vùng cam rồi vùng đỏ và ngày càng mở rộng phạm vi kiểm soát.
Về các lĩnh vực kinh tế, cần ưu tiên các lĩnh vực có thể kiểm soát được vấn đề tập trung đông người. Lĩnh vực có tỷ lệ kiểm soát cao nhất, có thể mở lại trước là sản xuất. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu, xuất khẩu, doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng. Để làm được điều này thì ngay từ bây giờ, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho các lực lượng lao động thuộc nhóm ngành nghề nêu trên. Lưu ý đẩy nhanh vắc xin cho lao động trong các doanh nghiệp theo chuỗi, bắt đầu từ chuỗi cung ứng, sản xuất hàng thiết yếu như chuỗi lương thực, chuỗi rau củ quả, sau đó tới chuỗi xuất khẩu như chuỗi cá tra, chuỗi may mặc… Điều này sẽ tạo ra “chất keo” kết dính các doanh nghiệp 1 cách bền chặt, đảm bảo xuyên suốt chuỗi sản xuất. Sau sản xuất sẽ tới thương mại, rồi dịch vụ. Tuy vậy, không cứng nhắc mà linh động, các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, đảm bảo hoạt động an toàn có thể cho phép mở cửa.
Bước tiếp theo là nới lỏng cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", chuyển dần sang áp dụng mô hình "2 điểm đến xanh và 1 cung đường". Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ định vị để nhận diện và quản lý vấn đề dịch chuyển lao động.
Để không gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng cần đảm bảo 2 đối tượng hàng hóa và người lao động. Đối với hàng hóa, cần tổ chức lại quy trình quản lý các luồng xanh vận tải một cách khoa học, bài bản, hệ thống hơn; thống nhất giữa các địa phương về phương thức tổ chức và thực hiện nhằm đảm bảo tính nhất quán, thông suốt. Về lao động, phải kiểm soát cấp giấy đi đường từ nội tỉnh/thành sang liên tỉnh/thành, dựa trên tiêu chí đã tiêm vắc xin, xét nghiệm định kỳ, tuân thủ 5K nghiêm ngặt… Ngoài ra, các yếu tố dịch vụ hỗ trợ như điện, nước, viễn thông, hải quan… đảm bảo không bị gián đoạn trong bối cảnh cầu tăng đột biến. Tóm lại là phải tạo ra không gian, hạ tầng cho giai đoạn phục hồi.
* Theo ông, đâu là lĩnh vực dễ kích hoạt nhất khi TP.HCM mở cửa trở lại?
- Chắc chắn là đầu tư công. Đây là vốn mồi trong tổng vốn đầu tư xã hội, cũng là lĩnh vực dễ thúc đẩy nhất để tái phục hồi nền kinh tế. Thực tế, chủ yếu các dự án đầu tư công bị chậm là ở các khâu về thủ tục hành chính. Vì thế, ngay lúc này phải tập trung hoàn thành ngay các chậm trễ về mặt thủ tục, hành chính, để có thể triển khai ngay khi việc dịch chuyển lao động được nới lỏng. Rõ ràng, lúc này không có lý do mà không tập trung xử lý các vấn đề thuộc quy trình và thủ tục trên bàn giấy mà lại để đến khi mở cửa trở lại mới làm.

Hơn 8.000 shipper hoạt động lại, giảm tải hàng trăm ngàn đơn hàng “đi chợ hộ” trong dịch Covid-19

Tất cả các bước thực hiện trên đều phải làm thận trọng, đảm bảo nguyên tắc tiên quyết là an toàn. Có thể tạo ra những vùng xanh khép kín trong các khu/cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch… bằng cách phân khu/cụm theo từng khu vực tách biệt để dễ kiểm soát và bóc tách ca nhiễm khi cần thiết. Việc chuyển từ kiểm soát tại cổng nhà máy/doanh nghiệp như hiện nay sang cổng khu công nghiệp/khu chế xuất… không chỉ có lợi hơn trong công tác kiểm soát dịch bệnh mà còn giúp giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp khi duy trì sản xuất sống chung với dịch bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.