Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đối với vụ rút ruột, pha chế xăng dầu do Báo Thanh Niên điều tra trong loạt bài Kinh hoàng công nghệ xăng dỏm.
|
Là người trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ 11 doanh nghiệp (DN) kinh doanh gian lận chất lượng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM cuối năm 2011, Phó chủ tịch Lê Mạnh Hà cho rằng với những tang chứng, vật chứng mà Báo Thanh Niên điều tra được, đã đủ cơ sở để khởi tố vụ án này.
Ông nhận xét thế nào về hình thức xử lý (đình chỉ tài xế xe bồn) trong vụ pha chế xăng dầu thành xăng dầu bẩn mà Báo Thanh Niên đã điều tra?
Việc sa thải các tài xế xe bồn chỉ là hình thức kỷ luật của nội bộ DN. Theo tôi, họ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật về 2 tội: tội trộm cắp tài sản đối với hành vi “rút ruột” và làm hàng giả đối với hành vi pha chế xăng. Với những bằng chứng do Báo Thanh Niên cung cấp, cơ quan chức năng đã đủ cơ sở để khởi tố các tài xế này về tội trộm cắp tài sản theo điều 138 bộ luật Hình sự.
Theo điều tra của Báo Thanh Niên, với khoảng 400 lít xăng họ ăn cắp thì giá trị họ đã ăn cắp trên 2 triệu đồng, đủ để truy cứu hình sự. Đây mới chỉ là một vụ bị phát hiện. Chắc chắn họ đã thực hiện ăn cắp rất nhiều lần và với số lượng lớn. Tội thứ 2 là tội làm hàng giả. Đây là vấn đề còn đang tranh cãi. Có người cho rằng, hàng giả là phải khác hẳn về nguồn gốc. Ví dụ bánh giả phải là bánh làm từ đất sét thay vì làm từ bột mì, xăng giả là xăng làm hoàn toàn từ nước lã. Tôi có ý kiến khác, chất lượng là 10 mà người ta cố tình giảm xuống còn 9 thì vẫn là hàng giả. Thậm chí có những sản phẩm chất lượng hàng giả không thua kém hàng thật như sách in lậu chẳng hạn.
Đối với việc các tài xế pha trộn một chất khác vào trong xăng, tuy chưa đánh giá được chất lượng giảm bao nhiêu, nhưng chỉ cần có bằng chứng về việc họ đã pha chế xăng là có cơ sở để xác định họ đã làm xăng giả, giả về chất lượng. Do vậy cần xử lý hình sự tội làm xăng giả đối với các đối tượng này. Chủ của những bãi đáp cũng phải bị xử lý vì tội trộm cắp tài sản và làm hàng giả có tổ chức và mang tính chất chuyên nghiệp.
Phải xử phạt nghiêm minh khi phát hiện vụ việc vừa rồi… thì mới tác động và thay đổi nhận thức của người ta. Nếu không mạnh tay thì không ai sợ cả
Theo ông, công ty đầu mối phải chịu trách nhiệm thế nào khi để xảy ra vụ việc này?
Với số lượng lớn xăng bị ăn cắp thì các công ty phải bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước theo điều 144 bộ luật Hình sự, nếu là DN nhà nước hoặc có phần vốn nhà nước. Thấp nhất thì họ cũng phải bị xử lý về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài của người khác (điều 145 bộ luật Hình sự).
Tang chứng, vật chứng đầy đủ nhưng đã gần 1 tháng trôi qua, việc điều tra, xử lý vẫn chưa có tiến triển gì mới, ông có cho như vậy là quá chậm trễ?
Tôi nghĩ cứ để họ bình tĩnh làm cũng tốt.
Nhưng cũng nên có những thông báo về tiến độ để người dân yên tâm rằng, mọi việc vẫn đang được tiến hành, thưa ông?
Đúng thế. Yên tâm là một, người ta cũng giám sát việc mình làm, hỗ trợ việc mình làm. Thực ra việc hỗ trợ rất quan trọng. Có nhiều việc tôi đã làm nếu không có sự hỗ trợ của báo chí là khó thành công. Hiện đã có quy chế phát ngôn nên các trường hợp như thế này nên có thông báo, cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ. Cái này thực ra có lợi cho chính các cơ quan đang làm nhiệm vụ bởi người dân sẽ thấy, họ quyết tâm ra sao, tiến độ công việc thế nào. Nhiều khi mình đã tích cực làm việc rồi nhưng không có thông tin thì rất dễ bị hiểu lầm. Để không bị hiểu lầm thì nên cung cấp thông tin, tiến độ sự việc.
Thực ra vấn đề dư luận sợ nhất là để lâu, mọi việc có thể "chìm xuồng"...
Đó là do mất lòng tin. Sở Thông tin Truyền thông có giao ban báo chí, tuần này thì không nhưng trong lần họp tới, để họ mời bên công an đến cung cấp thông tin về tiến độ điều tra. Nhưng theo tôi, Báo Thanh Niên cũng nên chủ động mời họ cung cấp thông tin thì tốt hơn. Tôi nghĩ chắc chắn là không thể chìm xuồng được. Ủy ban rất cương quyết trong vụ này. Anh Quân (Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân - PV) đã có văn bản chỉ đạo. Cụ thể thế nào thì chưa biết nhưng chắc chắn là rất cương quyết.
Ở góc độ người tiêu dùng, quyền lợi của họ được đền bù thế nào trong vụ này, thưa ông?
Thực ra cái này rất khó vì số lượng xăng bị gian lận đã bị tiêu thụ hết rồi. Hơn nữa, việc này không chỉ thiệt hại về tiền mà còn nhiều cái khác nữa nên rất khó xác định thiệt hại cụ thể là bao nhiêu. Vì vậy, tốt nhất là bảo vệ quyền lợi của họ từ nay về sau bằng biện pháp phòng ngừa để không lặp lại việc này. Mà muốn làm điều này, phải xử phạt nghiêm minh khi phát hiện vụ việc vừa rồi. Phải hết sức nghiêm minh thì mới tác động và thay đổi nhận thức của người ta. Nếu không mạnh tay thì không ai sợ cả.
Vậy theo ông, làm thế nào để hạn chế tối đa những vụ gian lận thương mại xăng dầu thế này?
Thực ra quy trình cung cấp xăng dầu từ tổng đại lý đến các đại lý là chặt chẽ. Các DN thực hiện đúng và đầy đủ quy trình này là hạn chế tối đa được gian lận. Vừa qua, các DN, các tổng đại lý quản lý không chặt nên để cho tài xế và các đối tượng khác ăn cắp và làm giả chất lượng.
Vấn đề cốt lõi vẫn là con người?
Đúng thế. Nên tôi mới nói, đây là tội "thiếu trách nhiệm gây thiệt hại...". Nếu xử lý mạnh thì họ buộc phải chấn chỉnh tất cả các hoạt động của mình.
Thực ra, hình phạt lớn nhất đối với một DN là sự tẩy chay của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ của họ. Nhưng với vị thế độc quyền của Petrolimex, người tiêu dùng Việt Nam không thể thực hiện "quyền lực" này của mình. Ông có cho rằng, biện pháp tốt nhất để hạn chế tối đa việc này là phải phá vỡ thế độc quyền trên thị trường xăng dầu hiện nay?
Hạn chế độc quyền bao giờ cũng là tốt cả. Tôi lấy ví dụ trong lĩnh vực viễn thông, một "ông" thì không bao giờ tốt cả. Nhưng nay có 7-8 "ông" thì cạnh tranh bình đẳng và người tiêu dùng có lợi. "Ông" này cung cấp dịch vụ, chất lượng không tốt thì người ta sẵn sàng chuyển sang công ty khác. Rất đơn giản, chỉ cần mua một cái sim là chuyển được. Thế thì "ông" làm ẩu, làm kém chết ngay.
Theo ông, trách nhiệm của Bộ Công thương, cơ quan chủ quản trong việc này như thế nào?
Phải yêu cầu các công ty xăng dầu thực hiện đúng quy trình một cách nghiêm ngặt nhất. Giám sát toàn bộ con người, phải yêu cầu các công ty đưa vào công nghệ mới, hệ thống định vị chẳng hạn... Vì suy cho cùng mình phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, phục vụ người dân. Khi họ bị ảnh hưởng, mình phải làm một cách tích cực. Chỉ một vài DN, một vài người bị ảnh hưởng thì mình vẫn phải làm hết sức, nữa là với số lượng đông thế này. Hàng triệu người dùng xe máy, không ai không dùng xăng. Rồi xe hơi, xe tải phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, đời sống. Thiệt hại về chuyện mất mát vật chất đã đành mà còn thiệt hại rất nhiều vấn đề khác nữa mà ta chưa tính được hết.
Cần kiên quyết, mạnh mẽ hơn Tôi đã nghe mọi người chia sẻ vấn đề gian lận về số lượng và chất lượng xăng, dầu mà phóng viên Báo Thanh Niên đã không sợ nguy hiểm, thực hiện loạt bài điều tra, đưa lên mặt báo. Người dân cần một sự kiên quyết, mạnh mẽ hơn của quản lý nhà nước trong những vấn đề bức xúc, đặc biệt là trong vấn đề gian lận số lượng và chất lượng xăng. (Ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM) Mai Vọng Xử lý rất chậm Vấn đề xăng dầu đang trở thành nỗi lo lớn của người dân, nhất là khi hàng loạt vụ cháy xe xảy ra. Báo Thanh Niên đã phát hiện đường dây rút ruột và pha chế xăng dầu dỏm. Lẽ ra những cơ quan có trách nhiệm phải xử lý ngay đến nơi đến chốn để làm gương nhưng đằng này lại xử lý rất chậm, đến nay vẫn chưa khởi tố vụ án. Tôi không hiểu vì lý do gì. (Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) Đình Mười 2 cây xăng bị tước giấy phép nhưng vẫn hoạt động Thanh Niên đã ghi nhận được ít nhất có 2 trong số 9 cây xăng bị UBND TP.HCM tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu do bán xăng kém chất lựơng kể từ ngày 1.2, nhưng vẫn không chấp hành. Cụ thể là cây xăng của DNTN TM Phú Hoàng (3A Bàu Cát, P.14, Q.Tân Bình) và cây xăng của DNTN TM Tân Cảnh (339B Thạch Lam, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú) vẫn bán xăng trong ngày 1.2. Hoàng Việt |
Nguyên Hằng (thực hiện)
Bình luận (0)