Đã ghiền với cá lị um chuối chát

03/07/2018 10:06 GMT+7

Sáng chủ nhật, còn cuộn tròn trong chăn ấm, tôi mơ màng nghe má gọi: “Dậy đi con, dậy xem con cá lị sông này, má ra bến cá sớm nhưng chỉ mua được mỗi một con thôi, hàng hiếm đấy”.

Nghe cái tên cá lị, tôi đã ồ lên ngạc nhiên và không thể nằm nán được nữa.
Chao ôi, con lị sông sao trông chẳng bắt mắt tí nào. Thân to bằng ba ngón tay chụm lại mà dài gần mét rưỡi. Ấy vậy má còn nói có con to bằng bắp tay người lớn. Quả thật kể từ ngày về sống nơi vùng cửa biển này, lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy con lị. Vẫn là loài da trơn, thân dài, đuôi dẹt nhưng có kích cỡ, chiều dài lớn hơn lươn, lạch rất nhiều lần.
Khi làm cá lị, không nên dùng nước sôi mà dùng tro bếp, nước chanh hoặc khế để làm sạch nhớt của chúng, cách này giúp lị được sạch, không tanh, thịt không bị cứng
Ở các vùng cửa sông Quảng Nam, thi thoảng con lị lại xuất hiện nhưng nhiều nhất thường là những ngày tháng hai, tháng ba âm lịch. Điểm trừ của cá lị là có mùi tanh, da trơn nên khâu sơ chế phải quen tay và có kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, cá lị lại giống cá lạc, có nhiều xương ngang. Ấy vậy mà các bà, các chị nội trợ ưa chuộng bởi cá lị chế biến được nhiều món ngon, thịt cá mềm, nhiều chất béo, đạm.
Mỗi nơi mỗi kiểu, cá lị chế biến khoảng chừng chục món ăn như chiên giòn, nướng sả ớt, hấp, rang muối, um, lẩu…

Dù món gì, khi làm cá lị, không nên dùng nước sôi mà dùng tro bếp, nước chanh hoặc khế để làm sạch nhớt của chúng, cách này giúp lị được sạch, không tanh, thịt không bị cứng. Ở Quảng Nam, món khoái khẩu nhất là cá lị um chuối chát.
Cá sau khi làm sạch, cắt khúc vừa ăn, để ráo rồi ướp cùng muối, nước mắm và các phụ gia đã giã nhuyễn như sả, ớt, tiêu, đặc biệt không thể thiếu nghệ. Trong lúc chờ cá thấm gia vị, dạo quanh vườn nhà tìm hái vài trái chuối chát còn non.
Chuối mang về, gọt bỏ lớp vỏ lụa, cắt lát rồi ngâm với nước pha vài giọt chanh tươi. Tiếp tục lót những lát chuối dưới đáy nồi, cho phần cá lị đã sơ chế lên trên, có thể thêm một ít nước. Đun cho mẻ cá sôi bùng rồi hạ lửa thật nhỏ. Khi gia vị thấm vào cá liền đổ thêm nước, xốc nhẹ mẻ cá đôi ba lần. Giữ lửa nhỏ đến khi nước cá sền sệt là được.
Con cá lị vừa được ngư dân nơi hạ nguồn sông Thu Bồn bắt Ảnh: Thanh Ly
Cá lị um chuối chát nấu càng kỹ vị càng ngon, thịt cá không tanh, mềm mà không nát, cái vị ngọt từ cá ngấm vào làm miếng chuối càng thêm thơm bùi. Chỉ mới thử một miếng thôi mà như được tận hưởng hết hương vị đậm đà, ngon ngọt của sông nước.
Món này đúng điệu nhất phải ăn cùng cơm nóng. Đôi khi các bác ngư dân còn thêm vài xị rượu gạo làm mồi lai rai. Thế mới hiểu tại sao các bà, các chị mỗi khi đi chợ gặp cá lị lại mừng ra mặt như gặp được lộc trời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.