Trải qua nhiều "nhiệm kỳ" với những trưởng nhóm khác nhau, hiện nay "thủ lĩnh" là bác sĩ Lê Thanh Nga, 45 tuổi. "Đại bản doanh" của nhóm cũng được đặt tại nhà bác sĩ Nga (63 Man Thiện, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM).
Giữ chữ "tín" làm đầu
Bác sĩ Nga hồi tưởng: "Lúc nhóm y bác sĩ thiện nguyện được thành lập, tôi đang là sinh viên năm thứ hai Trường đại học Y dược TP.HCM. Miệt mài theo chân các bậc tiền bối học hỏi cả y thuật lẫn y đức, tôi cũng không ngờ có ngày được tín nhiệm, bầu vào vị trí của một người phụ trách".
Tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc minh bạch thu chi, đề cao nghĩa cử vừa cứu người vừa giúp người, đó cũng là bí quyết để nhóm giữ được chữ "tín". Tiếng lành đồn xa, số lượng nhà hảo tâm tin tưởng, tự nguyện tìm đến "góp gió thành bão" ngày càng tăng, và theo đó, danh sách những mảnh đời cơ nhỡ được hỗ trợ cũng dài thêm.
Nhớ lại lúc dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, nguồn "tiếp sức" của những mạnh thường quân chủ yếu thực hiện qua chuyển khoản. Dù không yêu cầu phải "sao kê", song cả nhóm vẫn thực hiện nghiêm túc việc công khai tài chính. Bác sĩ Nga liên hệ với các nhà cung cấp uy tín, đặt mua thực phẩm sạch, giá cả rõ ràng. Kết quả thu - chi đều "hồi âm" với những tấm lòng vàng ngay và luôn. Bác sĩ trưởng nhóm cẩn thận đến mức ghi hình chi tiết từng phần quà mang đi trao tặng, giúp người xem dễ dàng nhận ra gồm có những gì và ai cũng đều tự tính được giá thành.
Bốn tháng ròng rã TP.HCM giãn cách xã hội, nhóm thiện nguyện trở thành "gương mặt thân quen" với các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung. Họ thân thuộc với nhân viên y tế, tình nguyện viên và bệnh nhân đến mức dù mặc trang phục bảo hộ kín mít, song vẫn được gọi đúng tên. Giữ cự ly phòng dịch theo quy định nhưng tấm lòng không có khoảng cách. Thời gian chống dịch càng dài thì tình thân như ruột thịt càng khăng khít. Quả nhiên trái tim luôn có ngôn ngữ riêng.
Những phút rảnh rỗi hiếm hoi, người tặng và người nhận tranh thủ dành cho nhau những cuộc gọi, tin nhắn động viên, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn. Điều mà trước đó chỉ vài tháng, chẳng ai ngờ sẽ diễn ra. Những cuộc gặp bất ngờ với bao sẻ chia nhân ái, bỗng ra đời và lớn lên lúc sát cánh chống kẻ thù "vô hình". Bản thân bác sĩ Nga cũng tình nguyện đăng ký ở lại nơi điều trị, chị muốn tự tay chăm sóc cho những cụ già, sản phụ bệnh nặng.
Những trái tim nhân hậu
Đặc điểm "nhận diện" của nhóm thiện nguyện thể hiện ở thương hiệu "ba không": không làm theo mùa, "thời vụ"; không chạy theo phong trào; không quan tâm "đánh bóng" tên tuổi. Cũng nhờ cái chất "vô tư" nên nhóm cứ miệt mài quanh năm suốt tháng. Dĩ nhiên, dịp lễ, tết sẽ là lúc cao điểm hơn ngày thường bởi có thêm nhiều hoàn cảnh cần được chăm lo.
"Trụ sở" của nhóm (tức nhà riêng của bác sĩ Nga) hàng chục năm nay trở thành "điểm hẹn" quen thuộc, để người lao động nhận cơm miễn phí vào các bữa trưa thứ ba, năm, bảy. Suất cơm tình nghĩa nhưng chất lượng không hề thấp hơn "thị trường". Của cho không bằng cách cho, toàn bộ thực phẩm đều được lựa chọn trong các siêu thị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu, cũng rất đặc trưng nghề nghiệp của bác sĩ trưởng nhóm.
Có cơm và còn có cháo. Cứ đến sáng chủ nhật, cả nhóm lại tặng cháo dinh dưỡng cho bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP.HCM), cũng là nơi trước kia bác sĩ Nga công tác. Thời gian đầu "khởi động" với khoảng 200 tô cháo mỗi lần, giờ đây đều vượt qua mốc 500 nhờ có thêm nhiều bàn tay chung sức. Trong số những người nhận cháo có nhiều bệnh nhân ung thư, do điều trị kéo dài nên gia cảnh ai cũng kiệt quệ, những bát cháo nóng hổi chan chứa tình người, giúp họ được tiếp thêm sức lực và vững niềm tin chống chọi với căn bệnh nan y.
25 năm làm việc với Nhóm y bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo, bác sĩ Nga cũng là người duy nhất trong nhóm có đủ 25 đêm đón giao thừa trên đường phố. Trước tết vài tuần, công tác khảo sát đã được tiến hành rất kỹ, tránh trao "nhầm" đối tượng. Mỗi đêm, 400 gói quà tết kèm bao lì xì được 30 thành viên của nhóm tỏa đi nhiều tuyến đường, tặng người bán vé số dạo, lao động tự do, dĩ nhiên không bao giờ thiếu những công nhân vệ sinh thầm lặng làm sạch đẹp phố phường. Chị Huỳnh Thị Kim Trúc, 28 tuổi (ngụ quận 12, TP.HCM) nghẹn ngào: "Năm nào chúng tôi cũng về đến nhà lúc sáng sớm mùng một tết, mệt nhoài nhưng ai cũng cảm thấy ấm lòng".
Thay vì du lịch tận hưởng không khí ngày xuân, sáng mùng hai tết cả đoàn lại hối hả "hành quân" đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Tuy xa nhưng không hề lạ, bởi nhóm thường xuyên có những chuyến khám bệnh từ thiện, cấp thuốc miễn phí, xây nhà tình nghĩa cho người dân địa phương. Những phần quà ấm áp, bộ quần áo mới và dụng cụ học tập mang lại niềm vui vô bờ bến cho hàng ngàn trẻ em. Trên đường về, gặp nhiều mảnh đời đáng thương, dù đã hết quà nhưng cả nhóm vẫn cứ gom góp những đồng tiền còn lại, gửi tấm chân tình "của ít lòng nhiều" với mong muốn ai cũng có tết.
Đều sinh sống ở TP.HCM, song các thành viên đều khá thông thuộc địa bàn những vùng miền hay bị bão lụt tàn phá. Nước chưa kịp rút thì họ đã có mặt tận nơi, động viên tinh thần cùng với vô số món quà thiết thực, những chiếc "lá lành" mong được góp phần nhỏ bé, đùm "lá nát" khắc phục hậu quả thiên tai.
"Cho đi là còn mãi"
Khẩu hiệu (slogan) này được in trang trọng trên tấm phông, ghi dấu ấn của ngày nhóm ra mắt. Dù các y bác sĩ lớn tuổi được thay thế bằng những thành viên trẻ, nhưng thông điệp trên vẫn không thay đổi. Thật cảm động và thú vị khi cả nhóm đều chung suy nghĩ: "Giúp người phải giúp cho trót". Nói là làm, họ bắt tay vào một công trình nhân ái có tầm vóc và bài bản hơn.
Nếu như phòng khám đông y miễn phí hoạt động vào các buổi tối tại nhà bác sĩ Nga, thì "Khu lưu trú 0 đồng" cho bệnh nhân nghèo tọa lạc cách đó 15km. Dành hẳn 300m2 đất xây "khách sạn" hai tầng đầy đủ tiện nghi, công suất hơn 50 nhân khẩu, cho người dân từ các tỉnh xa được ăn ở như tại nhà mình, chuyện "cổ tích giữa đời thường" này đã hiện thực hóa và mở cửa đón khách từ tháng 12.2022. Hiện nay, địa chỉ 340/14, đường Long Phước, khu phố Long Thuận, phường Long Phước, TP.Thủ Đức, như mô tả của ông Vũ Xuân Láng, 74 tuổi, quê Cần Thơ: "Chính là ngôi nhà thứ hai của những người vừa mang bệnh hiểm nghèo, lại vừa rất nghèo".
Làm nên chuyện phi thường "hiếm có khó tìm", nhưng bác sĩ Nga vẫn thấy tiếc vì lẽ ra phải sớm hơn: "Chúng tôi định khởi công thì xuất hiện dịch bệnh. Số tiền tích cóp hơn 4 tỉ đồng định "đầu tư" đã được dùng cho việc tặng máy thở, thiết bị y tế cho các bệnh viện dã chiến". Cũng từ đó mới thấm thía quyết tâm cao độ của đội ngũ thiên thần áo trắng này, những trở ngại phát sinh không ngăn được ý chí, làm bằng xong mới hài lòng. Lo chu toàn bữa ăn, giấc ngủ, người bệnh còn được cứu chữa bằng phương pháp vật lý trị liệu. Vậy nên, mới hoạt động được bốn tháng, nhưng mái ấm tình người này đã chứng kiến hàng chục bệnh nhân hoàn toàn bình phục, trở về quê trong niềm hân hoan của gia đình.
Mong muốn "bao trọn gói", có nhà lưu trú rồi cả nhóm lại tiếp tục cho ra mắt đội xe cứu thương "không cước phí". Hàng trăm bệnh nhân cần di chuyển thậm chí cả khi được xuất viện, đã về quê trên chuyến xe yêu thương này. Chương trình "6 trong 1" đã về đích trước dự kiến: "Cơm, cháo 0 đồng, ở miễn phí, khám bệnh, phát thuốc không thu tiền, xe đưa đón người bệnh không bán vé".
Trên con đường làm việc nghĩa, những đôi chân không màng đến mệt mỏi vẫn âm thầm bước đi. Gieo việc thiện lành, cho đi nhưng không mong nhận lại. Dẫu vậy, hạnh phúc của cả nhóm luôn đong đầy, nhờ có ngày càng nhiều lời hỏi thăm "online" của các bệnh nhân cũ, từ khắp mọi miền đất nước.
Bình luận (0)