Đà Lạt chuyện khu Hòa Bình: Từ Chợ Cây xưa đến rạp Hòa Bình nay

07/04/2019 09:31 GMT+7

Khu Hòa Bình là trung tâm mua sắm lớn nhất của phố núi du lịch Đà Lạt, trở thành ký ức đô thị của bao thế hệ người Đà Lạt và cả du khách xa gần.

“Chợ Cây” thời sơ khai

Trước khi xây dựng Chợ Đà Lạt ngày nay, Đà Lạt có “Chợ Cây” tọa lạc tại vị trí rạp chiếu bóng Hòa Bình. Cụ Lê Phỉ (93 tuổi), người có nhiều năm sống tại Đà Lạt và nghiên cứu về thành phố này, cho biết Đà Lạt thời sơ khai có một ngôi chợ nhỏ tự phát tọa lạc tại vị trí ấp Ánh Sáng ngày nay.
Ấp Ánh Sáng tập trung chủ yếu những người Việt từ Huế vào Đà Lạt lập nghiệp sống quần tụ bên nhau. Đến năm 1929, khi dân số Đà Lạt lên hơn 2.000 người, thì công sứ Chassaing đã cho dời ngôi chợ này lên trên ngọn đồi thoai thoải mà ngày nay gọi là khu Hòa Bình. Ban đầu, chợ được làm bằng cây rừng và ván gỗ xẻ từ những cánh rừng xung quanh và lợp mái tôn nên người dân gọi tên là “Chợ Cây”.
Chợ Cây Đà Lạt xưa ẢNH: TƯ LIỆU
Từ đó, Chợ Cây trở thành trung tâm của Đà Lạt, là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa tấp nập của cư dân Pháp, Việt sinh sống tại phố núi. Chợ đi vào hoạt động được thời gian ngắn, một cuộc hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi toàn bộ chợ vào năm 1931.
Sau đó, năm 1937 khi dân số Đà Lạt tăng lên hơn 6.500 người, chính quyền đương thời cho thiết kế và xây dựng lại một ngôi chợ mới bằng gạch đá khang trang ngay tại vị trí ngôi chợ bị cháy, nhưng người dân vẫn quen gọi là “Chợ Cây”. Nhà thầu SIDEC đảm nhận thi công, còn ông Đinh Bạng, một người Việt gốc Huế sống ở hẻm xóm Lò vôi (Trần Nhật Duật ngày nay), trúng thầu phần làm giàn giáo để xây chợ.
Cụ Lê Phỉ cho biết thêm, lúc đó mặt tiền ngôi chợ có gắn nổi huy hiệu thành phố Đà Lạt hình tròn. Huy hiệu tạc hình đôi thanh niên nam nữ người dân tộc bản địa; người nữ mang gùi, còn người nam tay cầm ngọn giáo nhắm vào một con cọp. Bên dưới huy hiệu có một câu cách ngôn bằng tiếng Latin chiết tự thành danh xưng DALAT: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem (có nghĩa là cho người này niềm vui, cho người khác sự mát mẻ).
Chợ Cây tuy không lớn nhưng Họa báo Châu Á mới (L’ Asie nouvelle illustrée), số 56, xuất bản năm 1937 đã có bài viết về ngôi chợ này với nhận xét “Ngôi chợ này tuy kiến trúc giản dị, nhưng rất độc đáo”.
Từ Chợ Cây đến rạp Hòa Bình
Rạp chiếu bóng Hòa Bình ngày nay Ảnh: Lâm Viên

Đến rạp chiếu bóng Hòa Bình

Từ năm 1954, với làn sóng di dân từ miền Bắc, miền Trung vào Đà Lạt ngày càng nhiều, Đà Lạt trở nên đông đúc với số dân hơn 53.000 người. Do đó, chính quyền sở tại nghĩ đến việc phải xây dựng một ngôi chợ lớn hơn, hiện đại hơn, đồng thời chỉnh trang lại khu vực Chợ Cây.
Năm 1958 Thị trưởng Đà Lạt Trần Văn Phước quyết định chọn vùng đất trống sình lầy dưới thung lũng cạnh Chợ Cây để xây dựng chợ mới có 2 tầng và một sân thượng. Một nhóm kiến trúc sư từ Sài Gòn được mời để thiết kế do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức đứng đầu, công trình này do nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu đảm nhận thi công.
Chỉ sau 2 năm xây dựng, năm 1960 Chợ Mới Đà Lạt hoàn thành và đưa vào sử dụng, đây là ngôi chợ lầu đầu tiên ở VN. Lúc này, “Chợ Cây” đã hoàn thành sứ mạng nên được các kiến trúc sư thiết kế cải tạo thành rạp chiếu bóng Hòa Bình.
Ông T.L.T (người Việt gốc Hoa, sống tại P.1, Đà Lạt) cho biết: “Khi Chợ Mới Đà Lạt đi vào hoạt động, chính quyền lúc đó cho đấu thầu cải tạo Chợ Cây thành rạp chiếu phim, nhưng vẫn buộc giữ nguyên kiến trúc”.
Ông T. cho biết thêm, một số người Hoa sinh sống, buôn bán tại Đà Lạt đã hợp tác với nhau lập Công ty Hòa Bình để nhận thầu cải tạo Chợ Cây thành rạp xi-nê (chiếu phim) Hòa Bình. Chính quyền cho phép khai thác kinh doanh trong 25 năm. Việc cải tạo biến chợ thành rạp chiếu bóng khá nhanh, cha ông T. là thành viên của Công ty Hòa Bình và cũng là người cung cấp vật liệu xây dựng cải tạo chợ.
Để bù đắp một phần chi phí đầu tư vào rạp chiếu bóng, chính quyền cho phép Công ty Hòa Bình xây dựng dãy ki ốt dọc hai bên rạp để bán đồng hồ, mắt kính... và phần sau của rạp có đường luồn, hai bên bố trí các quầy bán hàng mỹ phẩm. Các ki ốt, quầy hàng được Công ty Hòa Bình cho người Ấn Độ, người Hoa, và người Việt thuê.
Rạp xi-nê Hòa Bình với 800 chỗ ngồi khá hiện đại, có sân khấu khá rộng, cùng các quầy, sạp bao quanh đã tạo nên bộ mặt mới và cùng với Chợ Mới Đà Lạt tạo “điểm nhấn” cho đô thị Đà Lạt từ thập niên 60 thế kỷ 20.
Sau ngày đất nước thống nhất, rạp Hòa Bình được đổi tên thành rạp 3 Tháng 4 (ngày giải phóng Đà Lạt), nhưng tên gọi khu Hòa Bình vẫn tồn tại cho đến tận hôm nay, là một phần ký ức của người dân Đà Lạt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.