Vậy rau, hoa Đà Lạt có cần nhà kính không là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều.
Hiệu quả cao nhưng hệ lụy không ít
“Hiện nay 100% hoa xuất khẩu của Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung (khoảng 300 triệu cành trong tổng sản lượng 3 tỉ cành) đều được trồng nhà kính và hầu hết rau xuất khẩu cũng vậy. Riêng với hoa Đà Lạt hiện nay bắt buộc phải trồng trong nhà kính, một số loại rau cao cấp khác cũng tương tự. Ngay như cây cà chua, trước đây không trồng được ở Đà Lạt, nhưng nay nhờ công nghệ nhà kính đã trồng được với chất lượng rất tốt”, ông Lại Thế Hưng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng, khẳng định.
Nhà kính làm xấu cảnh quan và ảnh hưởng đến môi trường Đà Lạt |
Gia Bình |
Cũng theo ông Hưng, nhà kính xuất hiện ở Đà Lạt khoảng 30 năm nay (hiện Đà Lạt có khoảng 2.693 ha, chiếm khoảng 59% diện tích nhà kính toàn tỉnh trên tổng số 10.500 ha đất canh tác toàn TP). Đây là một trong những giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp ở địa phương này. Ai cũng thấy, mặt tích cực nhà kính mang lại, rõ rệt nhất là về mặt kinh tế thể hiện thông qua doanh thu đạt từ 350 triệu đồng đến cả chục tỉ đồng/ha/năm (tùy mô hình sản xuất). Chưa kể, nhà kính còn góp phần khai thác giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp thông qua phát triển du lịch canh nông ở Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng.
Thế nhưng, có không ít ý kiến lo ngại trước tình trạng nhà kính tràn lan tại Đà Lạt. Tại một cuộc hội thảo liên quan nhà kính tổ chức ở Đà Lạt trước đây, KTS Trần Văn Việt, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt), cho rằng sự hấp dẫn của năng suất, doanh thu khiến người dân xây dựng nhà kính tràn lan ở mọi nơi, mọi địa hình mà không quan tâm đến sự đánh đổi về cảnh quan, môi trường sinh thái. Việc xây dựng nhà kính hầu như không được quản lý, không ai cấp phép xây dựng mà do các hộ dân làm tự phát. Nếu trước đây nhà kính chỉ có ở khu nông nghiệp tập trung, thung lũng, thì nay đã tiến sát các dòng suối hoặc tiến dần lên các đỉnh đồi vốn là nền cảnh quan của TP. Việc nhà kính tiến lên đỉnh đồi sẽ thế chỗ cho các rừng thông còn sót lại, lấn chiếm đất rừng, làm mất đi sự mềm mại tự nhiên của các sườn đồi.
“Nhà kính tiến đến đâu thì màu trắng bạc của nó thay thế màu xanh của cây xanh hoặc cây trồng. Nó tiến sát đến khu dân cư, các khu đất xây dựng chèn vào tất cả những khoảng trống làm cho đô thị như phẳng lì, dàn trải, mất hết màu xanh, mất hết thiên nhiên, không còn những lớp màu khác nhau của địa hình, của quy hoạch”, ông Việt phản ánh.
Ông Trần Xuân Hiền, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, cũng nêu ý kiến: “Những mái nhà kính màu trắng mọc chi chít khiến cảnh quan TP mộng mơ bị biến dạng. Đặc biệt đã có dấu hiệu thay đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến TP du lịch có khí hậu ôn đới này, ảnh hưởng rất xấu đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Hiện tượng ngập cục bộ ở các vùng nông nghiệp lớn, khu vực hạ lưu suối Cam Ly và dọc suối Phan Đình Phùng trong những năm gần đây, ngoài nguyên nhân do sự thay đổi về lượng mưa, thì nguyên nhân không thể thiếu được là do nhà kính đã bao phủ một diện tích lớn đất đai tạo nên một vùng lớn không có khả năng thẩm thấu, thoát nước.
Cần hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường
Theo ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, TP này có khí hậu 2 mùa mưa nắng rõ rệt, mùa mưa từ khoảng tháng 6 - 12 thì nhiều gió, độ ẩm rất cao, có khi mưa liên tục cả tháng, nên những loại cây đang canh tác mẫn cảm với độ ẩm, mưa gió như hoa cúc, hoa ly, cát tường, các loại hoa chậu, một số giống hoa lan, vườn ươm giống rau hoa, dâu tây, rau ngắn ngày cần phải trồng trong nhà kính để đảm bảo phát triển tốt.
“Tôi đã đi một số nơi như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, thủ phủ hoa Côn Minh - Trung Quốc thấy tỷ lệ làm nhà kính cũng rất cao...”, ông Sang nhấn mạnh và cho biết điều quan trọng là khuyến khích người dân đầu tư nhà kính đạt chuẩn, có quy định cụ thể về mật độ và loại cây trồng nào nên trồng trong nhà kính, loại nào nên trồng ngoài trời. Với đặc thù Đà Lạt phải giải quyết hài hòa quy hoạch giống cây trồng, nhà kính với du lịch vùng ngoại ô. Cần những giải pháp khả thi để cải thiện tốt hơn”, ông Sang nêu ý kiến.
Thừa nhận nhà kính đã chứng minh tính ưu việt, nhưng ông Lại Thế Hưng nhấn mạnh việc giảm thiểu nhà kính ở đô thị đặc thù như Đà Lạt là cần thiết. 30 năm qua, nhà kính đã mang lại thành quả, nếu xóa bỏ nhà kính mà không có giải pháp đúng đắn thì chẳng khác nào đưa việc sản xuất nông nghiệp trở lại như 30 năm trước, lúc ấy thì với Đà Lạt chỉ trồng cà rốt, khoai tây, bắp sú. Vì vậy phải có kế hoạch chi tiết, lộ trình cụ thể, phải quy hoạch lại kế hoạch sử dụng đất, làm sao tăng hiệu quả sử dụng đất, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường.
Ông Phan Thanh Sang đề nghị: “Cần có sự quản lý, định hướng bằng cơ chế, chính sách vừa có lợi cho người dân vừa đảm bảo bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái phục vụ du lịch. Bất cứ vấn đề gì cũng cần phân tích, đánh giá toàn diện để khách quan và hài hòa. Một số mặt trái, phát sinh qua thực tiễn sản xuất cần có những giải pháp phù hợp để phát triển bền vững.
Không có nhà kính thì không thể có sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nên cần phải quy hoạch rõ ràng, vùng nào làm nhà kính, tỷ lệ cây xanh ra sao, hệ thống thoát nước thế nào, nhà kính thế nào là đạt chuẩn…
Ông Lại Thế Hưng
Bình luận (0)