Trong vài năm gần đây, mô hình du lịch canh nông tại phố núi Đà Lạt được nhiều du khách yêu thích, tìm đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm nông sản.
Phát huy lợi thế
Khoảng 5 năm trước, một số chủ vườn dâu tây ở đường hồ Xuân Hương, Thánh Mẫu, Nguyên Tử Lực… mở cửa đón du khách vào tham quan, tự hái trái ăn thử, chụp hình và mua về làm quà biếu, tạo nên sự hứng thú đối với du khách. Tham quan vườn dâu trở thành sản phẩm mới cho du lịch Đà Lạt. Các đơn vị lữ hành thiết kế chương trình có phần tham quan, trải nghiệm vườn dâu tây. Từ bước khởi đầu ấy, một số chủ vườn năng động trồng thêm những thảm hoa hướng dương, cẩm tú cầu, oải hương… để du khách tham quan, chụp hình với giá từ 10.000 - 40.000 đồng/người.
tin liên quan
Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có khu nghỉ dưỡng hơn 600 haÔng Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho rằng: “Du lịch canh nông là một lợi thế của Đà Lạt. TP.Đà Lạt khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển mô hình này. Ngoài việc du khách được trải nghiệm thực tế công việc đồng áng, qua đây còn quảng bá, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, cho biết từ tháng 10.2017 UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Bộ tiêu chí công nhận mô hình “tuyến du lịch canh nông”, “điểm du lịch canh nông”. Sau khi rà soát, đánh giá, Sở VH-TT-DL đã công nhận 23 điểm du lịch canh nông, trong đó riêng Đà Lạt có 17 điểm. Hiện Sở đang tiếp tục kiểm tra, đánh giá để công nhận và giới thiệu thêm những điểm du lịch canh nông trong toàn tỉnh.
Cần có quy hoạch để phát triển
Ngoài 23 đơn vị đã được cơ quan chức năng công nhận “điểm du lịch canh nông”, còn có hàng chục điểm khác mở cửa đón khách một cách tự phát. Có những điểm chỉ là vườn dâu tây bé tẹo, một khoảnh vườn nhỏ trồng hoa… nhưng vẫn thu tiền khách vào tham quan chụp hình. Ngược lại, có những chủ trang trại cho khách tham quan miễn phí lại than phiền không tạo ra doanh thu từ việc đón tiếp khách du lịch, có những lúc du khách đến vườn còn làm hư hỏng cây trái… Chưa kể các đoàn xe chở khách tham quan thường làm ách tắc giao thông cục bộ.
Mới đây, trong buổi hội thảo hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lâm Đồng, các nhà đầu tư Nhật Bản đưa ra nhận định: Đà Lạt, Lâm Đồng cần và phải phát triển du lịch canh nông. Du lịch trang trại là xuất khẩu tại chỗ, là bán sản phẩm cho người đi du lịch đến nông trại mình. Nhà đầu tư Kyohei Hosono chia sẻ: “Khu vực cao nguyên Cameron (Malaysia), nơi có khí hậu tương đồng như Đà Lạt, chỗ nào cũng là du lịch canh nông, không bán vé, nhưng bán được rất nhiều nông phẩm, riêng dâu có 16 loại - từ dâu tươi, mứt dâu, nước dâu, kem dâu, sô cô la dâu, dâu sấy… Hoạt động của họ không cầu kỳ, không kiêu sa, nhưng có chỗ đậu xe rộng rãi, có khu vực vệ sinh. Họ làm thỏa lòng du khách với sản phẩm tốt, bao bì tốt, bán được sản phẩm và thu được tiền”.
Đây không phải là lời khuyên mới, nhưng rõ ràng du lịch canh nông phải có định hướng, có quy hoạch, chứ không thể tự phát. Các điểm du lịch canh nông phải có bãi đậu xe, có cơ sở vật chất tối thiểu, có sản phẩm hàng hóa bán nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.
Bình luận (0)