Một thời hoàng kim khác
Tuy nhiên, giai đoạn 1954 - 1974 lại là giai đoạn ghi nhiều dấu ấn hoài niệm nhất đối với cư dân và du khách yêu Đà Lạt. Trên cái nền hạ tầng người Pháp để lại, người Việt đã xây dựng một thành phố di dưỡng và giáo dục mang tầm vóc khu vực. Thời kỳ này, hệ thống trường học và mô hình giáo dục Pháp vẫn tiếp nối dù chính thể đã thay đổi. Thêm vào đó, hệ thống trường nhiều đại học và trung tâm nghiên cứu mọc lên: Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt, Viện Đại học Đà Lạt, Trường Võ bị, Trường Chiến tranh chính trị, Giáo hoàng Học viện Thánh Pio X... Cổ vật triều Nguyễn cùng kho văn khố châu bản mộc bản từ Huế cũng được chính quyền Ngô Đình Diệm cho di chuyển về Đà Lạt để bảo vệ, nghiên cứu. Các tàng thư lớn chuyên chở một dung lượng tri thức đồ sộ từ thường thức tới chuyên ngành được đưa vào các đại học và trung tâm nghiên cứu để phục vụ người học, cư dân.
Đà Lạt hóa thân thành phố của sinh viên học sinh, của tuổi trẻ, của những giấc mộng đẹp hướng đến sự thanh nhã của tri thức và đời sống tinh thần. Giai đoạn này chỉ 21 năm, với sự rập rình chiến tranh, nhưng đủ để nhận thấy rõ một cá tính đô thị Đà Lạt không giống bất kỳ thành phố nào trên khắp Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Mọi tinh hoa, mọi trí tuệ đã được đổ về phía Đà Lạt, được điều hướng bởi chính sách và năng lượng hấp dẫn của một thành phố thanh bình, đứng xa khói lửa chiến tranh. Các giáo sư hàng đầu Sài Gòn trong nhiều lĩnh vực được mời về Đà Lạt giảng dạy, nghiên cứu; nhiều tài năng đã được nuôi dưỡng và phát tiết ở đây từ rất sớm.
Về nghệ thuật, Đà Lạt quy tụ nhiều nghệ sĩ lớn của miền Nam đến, sáng tạo, để lại tác phẩm: Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Thị Hoàng, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Duy... Đà Lạt cũng đủ sức tạo ra nghệ sĩ trí thức lừng lẫy cho riêng mình như: Lê Uyên-Phương, Nguyễn Bạt Tụy...
Hình ảnh Đà Lạt những ngày cuối tuần là nam thanh nữ tú từ Võ bị, Viện Đại học sắm những bộ suit, bộ đầm đẹp nhất đi dạo phố, qua những cửa hiệu sang trọng. Ở những góc quán quen, người ta có thể gặp gỡ một nhà thơ, nhạc sĩ hay vị giáo sư lừng danh miền Nam đang trầm tư mặc tưởng hay luận thoại cùng bạn bè...
Một thành phố trẻ, thanh lịch và hào hoa cũng như thời thanh xuân ngắn ngủi trong đời một con người, chắc hẳn ghi nhiều dấu ấn vào thế giới của ký ức khó phai mờ. Ban đầu là một cảm xúc ngậm ngùi, rồi lắng đọng thành khứ niệm, và rồi trở thành vô thức tập thể của cư dân. Hoài niệm về thời gian đã mất. Hoài niệm về thiên đường của hôm qua. Người Đà Lạt sống trong hoài niệm về chính thành phố mà họ đang sống. Dẫu không dày dặn về cơ tầng văn hóa như Istanbul, nhưng trường hợp Đà Lạt cũng gợi ta nhớ đến khái niệm hüzün mà Orhan Pamuk dùng để nói về thủ đô của nước Thổ. Hüzün xin được hiểu là u hoài.
Mã gien trội
Thành phố tươi đẹp tuổi trẻ, thành phố tình yêu, thủ đô mùa hè và xa hơn, một giấc mơ Thủ phủ Liên bang trong canh bạc thuộc địa của các chính trị Pháp... tất cả phủ lên Đà Lạt vẻ huy hoàng đã mất.
Trong khung cảnh mờ ảo của sương tỏa từ cỏ cây và đất đai đồi núi, những kiến trúc ghi dấu qua nhiều thời kỳ vang bóng ẩn hiện, như thực, như mơ. Đó là những thước phim được “trình chiếu” trước mắt mỗi thị dân trong từng ngày sống nơi thành phố này. Thước phim ấy nói về thời gian và thế cuộc dịch biến, kéo tâm tư mỗi người xoay về trục nhìn ký ức, chậm lại để ngẫm ngợi lẽ mất, còn…
Nhìn từ chiều kích của tài nguyên nhân văn, ký ức cộng đồng, thì tâm tính sống thiên về hoài niệm vì thế đã trở thành di sản nhân văn. Đó cũng là chiếc chìa khóa để bước vào thế giới tinh thần của thành phố chỉ có lịch sử 127 năm nhưng giấu bên dưới sự bình yên và có bề tịch lặng là những chấn động ngầm ẩn của lịch sử. Mỗi đổi thay từng gợi ra một áng phù vân diễm ảo, huy hoàng nhưng chóng qua. Hồi quang của nó không chỉ khiến người ta tơ tưởng về cái đã mất, mà còn để soi chiếu, đối sánh với một thành phố đang “biến hình” trên những con đường dẫn về tương lai.
Đã có một nhận định thật xác đáng rằng, sự kiện chính trị dẫn tới việc đổi tên Hội trường Hòa Bình ở khu trung tâm đã đánh dấu sự sụp đổ của giấc mộng trở thành đô thị quý tộc và trí thức của Đà Lạt.
Hoài niệm là một mã gien trội trong khí chất cư dân Đà Lạt. Hiểu điều này, thì sẽ hiểu Đà Lạt, chạm vào tâm hồn Đà Lạt một cách nhẹ nhàng và bặt thiệp nhất. Còn xem nhẹ, hoặc hiểu một cách hời hợt để phủ định, dành chỗ cho mối bận tâm hào nhoáng thì sẽ lỗi nhịp và mãi mãi đứng ngoài Đà Lạt.
Bình luận (0)