Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), nhấn mạnh: "Hội thảo khoa học để cùng ôn lại lịch sử quá trình phát triển của một vùng đất, để nhìn nhận, đánh giá về những thành tựu đạt được trong 130 năm qua; từ đó bồi đắp thêm niềm tự hào, tình yêu, sự gắn bó sâu sắc với quê hương, đồng thời phác họa diện mạo thành phố trong tương lai, tạo động lực mới tiếp tục xây dựng, phát triển Đà Lạt hiện đại, văn minh và giàu đẹp".
Những mâu thuẫn nội tại của Đà Lạt
Phác họa diện mạo một TP trong tương lai như thế nào? Trong tương lai Đà Lạt sẽ là TP đa chức năng, xuất hiện các ngành mới mang tính sáng tạo như công nghiệp giải trí, kiến trúc, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp thời trang, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp ẩm thực, hay là TP thông minh, TP di sản, TP carbon thấp? Đó là những vấn đề được bàn tại hội thảo.
PGS-TS Bùi Trung Hưng (Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai) ghi nhận sự phát triển của Đà Lạt trong những năm gần đây, nhưng cũng thẳng thắn nêu lên những tồn tại, một số mặt đã bị suy thoái nếu dựa trên tiêu chí phát triển bền vững. Ông Hưng cho rằng Đà Lạt đang có những mâu thuẫn nội tại giữa bảo tồn và phát triển trong khai thác điều kiện tự nhiên đặc thù khi rừng nội ô không còn, nhiều quả đồi bị san ủi, các con suối bị bồi lắng, nhà bê tông phủ dày…; mâu thuẫn giữa phát triển nông nghiệp hiện đại với bảo vệ hệ sinh thái đặc thù khi nhà kính (ni lông) phủ khắp TP, hóa chất tồn dư cao trong đất, nguồn nước bị ô nhiễm, khí hậu nóng lên làm mất sức hấp dẫn với du khách. Bên cạnh đó là mâu thuẫn giữa kỳ vọng của du khách về một vùng du lịch nhiều hấp dẫn với việc đáp ứng nhu cầu sống tất yếu của cư dân tại chỗ…
Sự biến đổi về lối sống và phong cách sống trong cư dân Đà Lạt gần 30 năm qua đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. TP.Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hội thảo, xây dựng các quy chuẩn nhằm xác định các tiêu chí để xây dựng lối sống văn minh đô thị, gìn giữ phong cách người Đà Lạt xưa…; song kết quả trên thực tế chưa đạt như kỳ vọng. "Để đầu tư tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn du khách, nhưng lại phải thực sự có giá trị cả về văn hóa lẫn nghệ thuật, thường đòi hỏi thời gian, phù hợp chủ trương, quy hoạch…", ông Hưng chia sẻ.
Văn hóa tạo sự khác biệt
Cũng tại hội thảo, ông Trần Thanh Hoài, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, cho biết TP.Đà Lạt đạt được nhiều danh hiệu như đô thị thông minh, TP du lịch sạch ASEAN, TP sáng tạo âm nhạc UNESCO. Đà Lạt đang bước ra "sân chơi" thế giới. Để giữ được các danh hiệu đó phải dựa vào văn hóa. Văn hóa tạo sự khác biệt cho Đà Lạt; phải lấy con người Đà Lạt làm trọng tâm cho sự phát triển. Theo ông Hoài, phong cách, cảm xúc của người Đà Lạt chính là nguồn cảm hứng dẫn dắt sự phát triển du lịch Đà Lạt.
Cùng quan điểm, TS Phan Văn Bông (Trường Cao đẳng Đà Lạt) cho rằng cần phát huy những giá trị tự nhiên, văn hóa trong phát triển bền vững TP.Đà Lạt. Theo ông Bông, những năm gần đây khi Đà Lạt phát triển du lịch "nóng", dân số tăng nhanh, việc quản lý trong xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch cấp cơ sở còn yếu, từ đó gây nên những hậu quả tác động mạnh đến các giá trị tự nhiên, văn hóa Đà Lạt. "Việc phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa, con người phải gắn với bảo tồn, qua đó giữ vững những mỹ danh làm nên thương hiệu Đà Lạt: Miền đất lạnh, "Tiểu Paris", TP Ngàn thông, TP Mộng Mơ…", ông Bông nêu ý kiến.
TS Nguyễn Cảnh Chương (Trường ĐH Đà Lạt) hiến kế xây dựng Đà Lạt trở thành công viên khoa học, sáng tạo vì Đà Lạt có những yếu tố, điều kiện có thể đáp ứng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và lao động trí óc. Mục tiêu của công viên khoa học là tạo ra môi trường hợp tác, đầu tư, giao lưu, học tập, nghiên cứu và cả giải trí cho khách tham quan. Xây dựng Đà Lạt thành công viên khoa học đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, nguồn lực và ý tưởng sáng tạo; một công viên khoa học thành công có thể mang lại nhiều lợi ích khoa học, kinh tế, giáo dục…
Cách đây 130 năm, ngày 21.6.1893, bác sĩ Alexandre Yersin cùng đoàn thám hiểm đặt chân lên cao nguyên Lang Biang, mở đầu cho việc hình thành TP.Đà Lạt. Năm 1923 Đà Lạt chỉ có 1.500 dân cư, nhưng đến năm 1944, Đà Lạt trở thành "thủ đô" của Liên bang Đông Dương khi Toàn quyền Đông Dương và hầu hết các công sở quan trọng đều chuyển về làm việc ở đây; lúc này Đà Lạt có hơn 25.000 dân. Trải qua lịch sử hơn 130 năm xây dựng và phát triển, từ miền đất hoang sơ, ngày nay diện mạo của Đà Lạt đã từng bước đổi thay, kinh tế - xã hội phát triển với gần 260.000 dân.
Bình luận (0)