Đà Lạt - thành phố sáng tạo trong rừng, trong nhạc

14/06/2023 07:42 GMT+7

Những không gian âm nhạc rộng mở, rừng trong thành phố là những điều sẽ làm nên thành phố sáng tạo Đà Lạt.

Âm nhạc nối âm nhạc, nghệ thuật nối nghệ thuật

Tháng 6 của không gian sáng tạo Phố bên đồi ở Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ tràn ngập âm nhạc: tour bảo tàng Lâm Đồng và cung Nam Phương hoàng hậu; đêm nhạc pop - rock Pháp của nữ ca sĩ gốc Việt Dorothée Hannequin; tour âm nhạc của ban nhạc Cá Hồi Hoang; đêm nhạc Ghibli Night với nhóm hòa tấu Bee Chamber đến từ Nhạc viện TP.HCM.

"Tháng 6 âm nhạc với thật nhiều hoạt động thú vị từ Phố bên đồi và các nghệ sĩ trong nước và quốc tế! Với tinh thần nghệ thuật kết nối chúng ta, Phố bên đồi giới thiệu đến quý bạn bè và khán giả tại Đà Lạt chuỗi các chương trình nghệ thuật và âm nhạc xuyên suốt trong tháng 6", không gian sáng tạo này thông báo trên Facebook.

Đà Lạt - thành phố sáng tạo trong rừng, trong nhạc - Ảnh 1.

Một trải nghiệm nghệ thuật hướng tới thông điệp môi trường ở Đà Lạt

Facebook Phố bên đồi

Theo TS Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Vicas), không gian sáng tạo Phố bên đồi là một yếu tố sẽ giúp Đà Lạt có thể vững bước trên con đường tiến tới thành phố sáng tạo. Ở đó, các hoạt động thực hành nghệ thuật được tổ chức liên tục. Bên cạnh đó, các đơn vị khác cũng tổ chức những hoạt động nghệ thuật tại thành phố này. "Nó cho thấy sự hợp tác công - tư để có thêm các hoạt động văn hóa; sự sẵn sàng chung tay của các không gian sáng tạo, các doanh nghiệp ở Đà Lạt để tạo không gian âm nhạc cho thành phố", TS Thu Hà nói. Bà Hà cũng là một trong những người cùng TP.Đà Lạt xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo về âm nhạc.

Theo dự thảo hồ sơ thành phố sáng tạo của Đà Lạt, thành phố có nhiều chính sách thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư để mang lại các cơ sở hạ tầng mới nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác và du lịch văn hóa. Nhờ đó, Đà Lạt đã có Đà Lạt Opera House, hệ thống các màn chiếu lớn tại các không gian công cộng cũng như các sự kiện âm nhạc quy mô lớn như Hoa Sen SoundFest 2023, Best Dance Crew, Dalat Music Run…

Về chính sách, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng có Nghị quyết số 04 về phát triển TP.Đà Lạt giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này đặt mục tiêu chỉnh trang đô thị Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo, là trung tâm văn hóa, nghệ thuật vùng Tây nguyên và là trung tâm du lịch văn hóa di sản quốc tế.

Vicas cho biết chính sách này đặt ra các nhiệm vụ cụ thể phát triển Đà Lạt là "Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố" trên cơ sở chỉnh trang, bảo tồn cảnh quan, kiến trúc và các di tích danh lam thắng cảnh, văn hóa. Thành phố cũng sẽ có cơ chế thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển thị trường cho các tác phẩm sân khấu, âm nhạc, các chương trình biểu diễn; bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại. Các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập được tạo điều kiện phát triển. Chất lượng hoạt động nghệ thuật quần chúng cũng cần nâng cao.

Đà Lạt - thành phố sáng tạo trong rừng, trong nhạc - Ảnh 2.

Hoạt động âm nhạc ở Đà Lạt do Phố bên đồi tổ chức

Xây dựng bản đồ nghệ thuật âm nhạc Đà Lạt

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Vicas, một trong những sáng kiến sẽ được nêu trong hồ sơ thành phố sáng tạo chính là bản đồ nghệ thuật âm nhạc Đà Lạt. Theo đó, sáng kiến đa phương tiện này nhằm xác lập, quảng bá về cảnh quan âm nhạc phong phú và đặc sắc. Nó cũng thúc đẩy sự hình thành của một hệ sinh thái sáng tạo âm nhạc. Sau cùng, bản đồ sẽ định hướng thiết lập Đà Lạt với tư cách là một thành phố nghệ thuật và một trong những điểm đến về âm nhạc nổi bật trong nước và trong khu vực.

Để có thể "vẽ" được bản đồ này, nhiều nghiên cứu, đánh giá toàn bộ các tổ chức, địa điểm, sự kiện, tài nguyên văn hóa, di sản, nhân vật… có liên quan tới lĩnh vực âm nhạc của Đà Lạt sẽ được tiến hành. Các dữ liệu sau đó được hệ thống hóa thành bản đồ hệ sinh thái âm nhạc Đà Lạt (bản đồ in, bản đồ số, website…) cung cấp thường xuyên cho người dân, du khách, người kinh doanh, nhà đầu tư, cán bộ quản lý nhà nước.

Cũng theo PGS-TS Thu Phương, bản đồ nghệ thuật âm nhạc sẽ được thiết kế tích hợp các yếu tố đặc trưng về cảnh quan sinh thái, cảnh quan văn hóa, con người, vùng đất, động thực vật… của Đà Lạt. Bên cạnh việc được thể hiện trên nhiều nền tảng (số và vật lý), bản đồ sẽ được phát triển thành các món đồ lưu niệm, các tác phẩm nghệ thuật, các sản phẩm nội dung. Cũng sẽ có Art Map apps (bản đồ điện tử hiển thị thông tin vị trí, lộ trình di chuyển, quét mã vạch, QR Code để hiển thị thông tin về địa điểm, sự kiện âm nhạc…); "hộ chiếu" nghệ thuật (một dạng quà tặng lưu trữ thông tin khách hàng, vé đặt chỗ, cơ sở xác định khách hàng tiềm năng hoặc xét duyệt quà tặng, ưu đãi cho khán giả)... 

Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết: "Việc trở thành một phần của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc không chỉ là "danh hiệu" mà chính là cơ hội để Đà Lạt tôn vinh tính sáng tạo của cộng đồng, quy tụ và thu hút tầng lớp sáng tạo, tạo nên các sản phẩm văn hóa cho người dân, mở rộng thêm các quan hệ chia sẻ hợp tác, nâng cao thương hiệu địa phương trong nước và trên trường quốc tế.

Hội thảo quốc tế "Tham vấn xây dựng hồ sơ TP.Đà Lạt gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO" vừa qua (ngày 8.6) nhận được sự tham gia hưởng ứng của giới văn nghệ sĩ, trí thức, các chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc trong và ngoài nước, đặc biệt là 2 đại biểu đến từ thành phố sáng tạo âm nhạc Daegu (Hàn Quốc) và Belfast (Vương quốc Anh); TP.Hà Nội - thành phố đầu tiên của VN tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO lĩnh vực thiết kế. Lãnh đạo TP.Đà Lạt được nghe nhiều ý kiến tham vấn thẳng thắn, cởi mở, những hiến kế, sáng kiến tâm huyết, góp phần quan trọng giúp thành phố hoàn thiện hồ sơ ứng cử cũng như hoạch định rõ nét những chính sách, chiến lược cụ thể về lâu dài với tầm nhìn Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo về âm nhạc trong tương lai". 

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.