Đã lớn rồi có nên nhận lì xì tết không?

18/01/2023 14:00 GMT+7

Nhiều bạn trẻ đã bước vào độ tuổi đôi mươi, hoặc đã đi làm và có công việc ổn định nhưng vẫn thích được nhận lì xì, có bạn còn cho rằng sẽ nhận lì xì đến khi nào lấy chồng. Nhưng nhiều người lại cho rằng đã lớn rồi sao còn muốn được lì xì?

Gen Z lớn rồi thì có nên nhận lì xì nữa không?

THƯỢNG HẢI

Đã lớn rồi mà xếp hàng nhận lì xì chung với mấy đứa nhỏ thì kỳ lắm

Những dịp tết gần đây, Nguyễn Hồng Ngọc (23 tuổi), ngụ tại 30/31 Huỳnh Văn Lũy, P.Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cảm thấy rất ngại mỗi khi có ai đó gọi đến để lì xì vì Ngọc cho rằng mình đã quá lứa tuổi để được nhận những phong bao đỏ.

Nhiều người trẻ cho rằng mình đã quá lứa tuổi để được nhận lì xì

THƯỢNG HẢI

Hồng Ngọc chia sẻ: “Mình cảm thấy bây giờ cũng trưởng thành, đã đi làm và có thu nhập rồi nên mình chỉ nhận lì xì của người thân trong gia đình để lấy lộc thôi chứ nhận lì xì của người khác cũng thấy ngại. Với lại, nghĩ đến cảnh phải ra nhận lì xì cùng mấy em nhỏ trong khi bản thân đã lớn rồi thì không nên”.

Ngọc cho hay tết mấy năm trước, cô ít đi theo ba mẹ đến nhà họ hàng hay người thân quen để chúc tết và khi có khách đến nhà thì cũng ở luôn trong phòng. “Dù mọi người không ai nói gì về mình đã có việc làm hay hỏi mình năm nay bao nhiêu tuổi nhưng mình vẫn thấy ngại. Có lần mình từ trong phòng bước ra, do không có sự chuẩn bị trước nên người khách lấy tiền lì xì mà quên bỏ tiền vào phong bao lì xì nên mình cảm thấy không vui cho lắm”, Ngọc bày tỏ.

Cũng cùng cảm giác với Hồng Ngọc, Nguyễn Kiến Minh Toàn (23 tuổi), ngụ tại 945, đường 3 Tháng 2, P.16, Q.11 (TP.HCM) cho biết giờ lớn rồi nên được lì xì ít hơn so với khi còn bé.

Nhiều người trẻ cho rằng năm nay đã trưởng thành nên cần phải để ý việc không mong đợi lì xì nữa

THƯỢNG HẢI

Toàn bày tỏ: “Mình cảm thấy bản thân đã lớn và mình nghĩ là năm nay cũng đến lúc phải biết đi lì xì cho mấy em nhỏ rồi. Nhưng nếu ai có lòng muốn lì xì thì mình sẽ không từ chối vì chuyện lì xì thể hiện tinh thần thăm hỏi nhau ngày tết nên đáng để trân trọng”.

Còn đối với Võ Thị Kiều Oanh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết mình không ghét việc được lì xì nhưng hiện tại mình không nhận lì xì nữa vì thấy mình đã lớn rồi.

“Từ lúc khi vào đại học, mình đã nghĩ đến chuyện sẽ không nhận lì xì nữa vì đã đi học là phải xa nhà, phải biết tự lập và tự trưởng thành rồi nên về nhà dịp tết chỉ mong được thăm hỏi sức khỏe, nói chuyện với mọi người nhiều hơn là mong chờ được lì xì như ngày còn nhỏ. Với mình cũng đã lớn rồi mà xếp hàng nhận lì xì chung với mấy đứa nhỏ kỳ lắm”, Kiều Oanh cười và nói.

Nhận lì xì đến khi nào… lấy chồng mới thôi

Dù đã có việc làm nhưng Đinh Nguyễn Ngọc Khánh (22 tuổi), ngụ tại khu Palm City, P.An Phú, Q.2, TP.HCM, cũng không ngại việc mỗi năm về nhà sẽ được nhận lì xì và cô còn rất hào hứng mong nhận được phần lộc đầu năm.

Ngọc Khánh sẽ dừng việc nhận lì xì đến khi... lấy chồng

NVCC

Ngọc Khánh bày tỏ: “Mình nghĩ là mình sẽ dừng việc nhận lì xì đến khi nào… lấy chồng mới thôi. Và nhiều người quen của mình nói rằng ‘Còn đi học là còn được lì xì’ nên mình cực thích, nhưng khi lớn lên một chút như giờ thì mình không chỉ nhận thôi đâu mà cũng nên biết cho đi như lì xì cho ông bà, các cháu nhỏ. Và mình cũng sẽ cảm thấy rất hạnh phúc khi được lì xì cho người khác”.

Cũng sẽ nhận lì xì đến khi nào lập gia đình, Lê Ngọc Trâm Anh, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết: “Cũng có họ hàng đùa nói là sao mình lớn rồi mà còn nhận lì xì thì mình cũng vui vẻ rằng: ‘Lớn mấy cũng là cháu bác mà, với lấy lộc đầu năm thì hy vọng con có thể may mắn, phát lộc phát tài giống gia đình bác’. Dù tuổi nào thì mình vẫn muốn được nhận lì xì, không quan trọng trong bao là tờ màu gì, chỉ cần cảm thấy bản thân luôn còn nhỏ, được ba mẹ họ hàng quan tâm".

Lì xì là một trong những nét đẹp văn hóa của Việt Nam và việc lì xì chính là cho đi những điều may mắn

CẨM TUYẾT

Dù rất thoải mái khi được nhận lì xì, nhưng Ngọc Khánh vẫn có chút ngại khi được nhận lì xì từ những người bà con có hoàn cảnh khó khăn. “Khi về quê đón tết, mình thấy nhiều cô chú vất vả, làm quanh năm không dư dả gì, nhưng vẫn muốn lì xì cho mình. Dù chẳng biết lì xì ít hay nhiều nhưng mình vẫn ngại vì… thấy thương họ, nên ngoài quê mình thì mọi người sẽ thường lì xì gộp bằng những tờ 5.000 đồng hay 10.000 đồng thì mình cũng khéo léo nói: ‘Con nhận một tờ được rồi ạ, vậy là lộc rồi’. Như thế sẽ tinh tế hơn và mình cũng đỡ ngại hơn”, Ngọc Khánh cho hay.

“Được nhận lì xì ngày tết là một trong những nét đẹp văn hóa của Việt Nam, đó cũng như là mình được nhận điều may mắn đầu năm vậy. Nên việc mình khuyến khích việc người trẻ ở độ tuổi nào cũng nên nhận nếu người lớn có lòng, miễn là cảm thấy thoải mái và có tình cảm chân thành, quan tâm nhau mỗi khi về quê là được”, Khánh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.