|
Công thức chung từ dự án điểm
Ông Lee Sungyung, Tổng giám đốc Văn phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng, cũng cho rằng Covid-19 và các vấn đề khác trên thế giới đã “đặt” Đà Nẵng trước cơ hội lớn, khi các tập đoàn lớn thay đổi thói quen phụ thuộc sản xuất vào một nước, gia tăng chuyển dịch cơ sở đến quốc gia ổn định như VN. Ngoài các lợi thế vị trí chiến lược, lao động dồi dào, đầu tư hạ tầng bài bản, Đà Nẵng còn kiểm soát 2 làn sóng đại dịch thành công. “Đà Nẵng không chờ Covid-19 biến mất, mà nỗ lực thu hút đầu tư bằng phương thức không tiếp xúc để công việc không gián đoạn. Đà Nẵng và KOTRA đã thực hiện cả 100 cuộc gọi video khi không thể đi lại”, ông Lee Sungyung nói.
Trong các dự án được đẩy nhanh thủ tục đầu tư, điển hình là Tổ hợp không gian sáng tạo CMC. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, dẫn chứng tập đoàn của ông rất ấn tượng trước sự chỉ đạo sát sao và quá trình giải quyết thủ tục trực tuyến của TP.Đà Nẵng với dự án điểm trong bối cảnh Covid-19. “Một dự án quy mô nhưng lần đầu tiên tôi thấy thủ tục hành chính nhanh kỷ lục như vậy, trong khi quy trình phải mất vài trăm ngày”, ông Chính chia sẻ.
Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT, chính quyền TP.Đà Nẵng kêu gọi đầu tư qua đấu giá đất mất không dưới 200 ngày, có dự án kéo dài vài năm; nhưng với CMC chỉ còn khoảng 90 ngày và đây là dự án điển hình, trở thành công thức cho các dự án tiếp theo, minh chứng cho sự đổi mới hết sức mạnh mẽ trong tiếp cận dự án đầu tư. Bên cạnh đó, TP.Đà Nẵng cũng cải cách rút ngắn các thủ tục khác, như thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án ngoài ngân sách chỉ còn 35 ngày thay cho 75 ngày, thẩm định nhu cầu sử dụng đất 45-50 ngày nay còn 10 ngày, nỗ lực rút ngắn các thủ tục đầu tư đất đai khác.
“Thời gian là tiền bạc”
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng TP.Đà Nẵng từng đối mặt nhiều thách thức, những sai phạm quản lý đất đai, tài sản công khiến địa phương “chùng” xuống trong một thời gian dài. Dù Đà Nẵng đang đi đúng hướng trong thu hút đầu tư, có sự đồng hành cam kết của nhà đầu tư nhưng nhưng chưa tương xứng tiềm năng lợi thế, thậm chí đang tụt hậu dần so với các địa phương xung quanh.
Về chuyển dịch cơ cấu, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh công nghệ cao, CNTT, trung tâm tài chính, các dự án dịch vụ du lịch chất lượng cao thuộc danh mục ưu tiên. TP công khai minh bạch và cam kết tạo thuận lợi cạnh tranh với địa phương khác bằng các dự án động lực như hoàn thiện hệ thống logistics, nâng cấp cảng Tiên Sa đón tàu trọng tải lớn, sân bay Đà Nẵng, quyết tâm làm nhà ga hàng hóa, đầu tư bãi container tại H.Hòa Vang, nâng cao môi trường sống, y tế, hạ tầng giao thông. “Chúng tôi đề xuất trung ương một số cơ chế chính sách đặc thù tạo lợi thế cho TP.Đà Nẵng và nhà đầu tư, như định hướng hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp quốc gia miền Trung - Tây nguyên. Chúng tôi cũng xác định thời gian là tiền bạc của nhà đầu tư”, ông Quảng nói.
|
Ứng dụng phần mềm giám sát quá trình giải quyết các thủ tục Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng Đà Nẵng cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết để tiếp tục phát huy thế mạnh của TP.Đà Nẵng trong thu hút đầu tư, Sở đã tham mưu TP ban hành đề án quản lý đầu tư liên thông để thủ tục thuận lợi hơn, ứng dụng phần mềm giám sát quá trình giải quyết. Từ đó, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn một số dự án như Nam Ô của Tập đoàn Trung Thủy, sân golf Vina Capital, Capital Square (Công ty TNHH Mega Assets), resort Nam Phát… |
Bình luận (0)