Đà Nẵng, cảm xúc 50 năm

08/08/2021 10:00 GMT+7

Nếu ai đi xa Đà Nẵng vào những năm 1970-1971, khoảng 50 năm sau trở về họ sẽ thấy những gì? Người đó ít nhất nay cũng ở vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, chắc hẳn có nhiều cảm xúc lắm!

Tôi ở Đà Nẵng từ năm 1965. Chỉ xa thành phố này 4 năm và trở về sống ở đây từ năm 1976. Nghĩa là tôi chứng kiến những đổi thay của người và cảnh ở đây hằng ngày. Vậy mà một hôm đạp xe trên đường Lê Duẩn (đường Thống Nhất trước đây), tôi lại… đi lạc, mất cả gần chục phút mới sực nhớ ra, chỉ vì cái Cầu Vồng không còn nữa. Đi trong những khu phố ô bàn cờ ở Khuê Trung, Hòa Khánh lại càng dễ lạc hơn.
Bao nhiêu cảm xúc về Đà Nẵng mà trong những ngày giãn cách xã hội để tránh dịch Covid-19 này, bất giác tôi nhớ lại.

Đà Nẵng trong ký ức của một lính Mỹ

Đà Nẵng những năm trước 1970-1971 như thế nào?
Tôi xin chép ra đây ghi nhận của một người lính truyền tin Mỹ tên Jim Loy đã ở Đà Nẵng trong suốt các năm đó mà tôi vừa dịch lại:
“Tôi mất 2 năm ở Việt Nam. Năm đầu tiên ở Phú Bài (Huế) và năm kế tiếp ở Đà Nẵng. Ai cũng bảo Đà Nẵng là một thành phố lớn, nhưng tôi không thấy như vậy. Tôi làm việc trong căn cứ XXIV Corps, bên bờ sông chảy dọc thành phố, được bao quanh bằng những vòng rào kẽm gai. Có một cổng chính nhìn ra con phố đông người và luôn được canh gác bởi những tay Quân cảnh (MPs). Người dân Đà Nẵng đi lại trên những chiếc xe đạp, xe lam ba bánh. Phía bên kia đường là dòng sông Hàn. Có rất nhiều chiếc ghe thanh mãnh bằng gỗ, gắn máy đuôi tôm chạy xuôi ngược trên sông. Bên kia sông là một sân đổ trực thăng. Nhiều ông tướng quân đội có trực thăng đậu ở đó. Tôi ở trong một trại dã chiến 2 tầng, gió nhiều hôm thổi xuyên qua vách gỗ và mái lợp tôn (…)
Tôi không có nhiệm vụ phải canh gác và vì vậy quanh năm chẳng mó tay vào cây súng trường như những người lính khác. Nhưng thực tế tôi vẫn luôn ám ảnh mình là một phần của cuộc chiến tranh với bộ quân phục màu xanh. Tôi chỉ nghe tiếng súng nổ trong cái tết năm đó mà nhiều người vẫn ngỡ là tiếng pháo. Lần đó, đạn súng trường cũng rớt tí tách trên mái tôn căn cứ, suốt đêm chúng tôi không ai dám ra khỏi nhà.

Đường phố Đà Nẵng năm 1970

Ảnh: Tư liệu của Steve Ferendo

Một hôm tôi đến thăm Ngũ Hành Sơn ở phía nam thành phố non chục cây số, nơi có một chùa Phật giáo và một hang động lớn với nhiều thạch nhũ có hình dáng khác nhau của đức Phật. (…) Tôi cũng từng lên núi Sơn Trà, vì ở đó có một đội thông tin cùng đơn vị. Đó là một khu rừng nhiệt đới, nhiều bụi rậm rất đáng sợ. Tôi không thể ở lại đó qua đêm vì luôn lo sợ mình có thể bị giết bất cứ lúc nào...
Ngày kết thúc nhiệm vụ, tôi được chở đến sân bay Đà Nẵng. Những chiếc oanh tạc cơ F4 cất hạ cánh suốt ngày đêm để đi dội bom ở đâu đó. Vào ban đêm, những ngọn lửa tóe ra phía đuôi những chiếc máy bay cho đến khi nó dừng lại, trông rất kinh khủng. Trong lúc đợi máy bay đi vào Cam Ranh thì sân bay bị pháo kích, nhiều nơi trong sân bay bốc cháy, lửa bốc lên rất cao...”.

Đà Nẵng 1970 từ những bức ảnh

Cùng với ký ức của Jim Loy, tôi bất ngờ tìm được trên mạng internet rất nhiều bức ảnh do những người lính Mỹ chụp Đà Nẵng hồi đó. Có thể nhận ra đó là sản phẩm của những tay máy bất đắc dĩ, nhưng dù vậy đã giúp tôi nhớ lại nhiều chuyện của một thành phố trong chiến tranh.
Ấy là hình ảnh về những đứa trẻ nghèo trong một trường tiểu học lợp tôn ở “ấp tân sinh Phước Tường”. Những bà mẹ gánh rau đi bán trước mấy căn nhà tản cư bị rào quanh bởi nhiều lớp kẽm gai ở Hòa Khánh. Cánh đồng cỏ mọc hoang hóa ở Hòa Xuân chỉ có một đứa trẻ ngồi trên lưng trâu, phía sau là con sông Cẩm Lệ im lìm giữa cuộc chiến. Bãi biển Xuân Thiều (Redbeach) bị rào chắn mấy lớp kẽm gai và ngoài xa thấp thoáng vài con tàu của hải quân Mỹ. Một khu đồi bát úp ở Hòa Cầm với các ụ pháo đang chỉa súng về các vùng nông thôn. Một đoạn phố Độc Lập (nay là Trần Phú) với những hàng quán, tiệm giặt ủi, vài chiếc xe jeep, một người dân đang ngồi xe lăn và dăm ba người đi xe đạp. Những ngư dân quần cộc, chân không trên những chiếc thuyền gỗ đang bị lính Mỹ kiểm tra trên sông Hàn.
Ở phía bắc, có cảnh đỉnh đèo Hải Vân trơ trụi với mấy cái lô cốt màu xám và một đống lốp xe GMC cũ. Rồi có một căn cứ Mỹ ở Tiên Sa, nơi Bop Hope đến diễn hài vào giáng sinh năm 1968 bị pháo kích tan hoang. Chiếc xe lam chở đầy khách, lủng lẳng quang gánh phía sau trên đường về phía ngã ba Huế...

Và 50 năm sau…

50 năm (1971-2021) trôi qua thật chóng vánh. Từ những dòng chữ và những tấm ảnh của những cựu binh Mỹ tìm được, tôi lấy xe chạy quanh thành phố để một lần nữa chứng kiến những đổi thay.

Tác giả trong một lần đạp xe đi biển ở Đà Nẵng

ẢNH: T.Đ.T

Lẽ dĩ nhiên không thể tìm thấy đâu bóng dáng của xe tăng súng cối, máy bay thả bom và những ụ pháo, lô cốt như thời chiến trước đây. Những bãi biển giăng đầy kẽm gai giờ cũng đã trở thành những bãi tắm đông vui. Những khu du lịch hạng sang đang xây cất ngày càng nhiều hơn, kéo dài đến tận Hội An. Không còn những trại tạm cư, những khu nhà ổ chuột lợp tôn vách ván ép ở Hòa Cầm, Hòa Khánh; thay vào đó là những khu công nghiệp với hàng vạn công nhân mỗi năm làm ra hàng trăm triệu USD hàng xuất khẩu mang thương hiệu Đà Nẵng. Những khu dân cư mới, những chiếc cầu hiện đại bắc qua sông Hàn từ An Hải Bắc lên đến Nại Hiên, Đò Xu, Cẩm Lệ. Đà Nẵng đã mở rộng không gian đô thị đến hơn 5 lần so với thời kỳ 1970-1971 và trở thành thành phố gần 1,2 triệu dân...
Một buổi sáng, tôi ngồi ở hiệu cà phê trên đường Bạch Đằng nhìn ra. Những chiếc xe đạp vẫn còn đó của các cháu học sinh hay của những người lớn đi tập thể dục, nhưng những chiếc xe hơi du lịch hạng sang giá đến vài trăm ngàn đô mang đủ nhãn hiệu chẳng còn xa lạ nữa trên những đường phố rộng 3-4 làn xe. Những ngôi chợ ẩm thấp sình lầy trong những tháng mưa đã được thay bằng những trung tâm thương mại, siêu thị lớn…
Không còn những đêm nơm nớp sợ pháo kích, sợ đạn bom, sợ bố ráp, sự yên bình và đổi thay đã tạo cho người Đà Nẵng ngày nay năng động, cởi mở hơn, giàu lòng từ tâm hơn. Cả trong những hoạt động từ thiện rầm rộ của người dân mỗi khi có thiên tai ở nơi khác hoặc trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát và trong những hoạt động sáng tạo của người trẻ...
Và trong những ngày giãn cách xã hội này, các hoạt động ở Đà Nẵng như đang dồn nén lại để tiếp tục “bung ra” sau khi hết dịch… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.