Đà Nẵng cần có 'tiếng nói' về việc thu hồi dự án Đa Phước

08/07/2020 06:23 GMT+7

Phân tích nhiều khía cạnh không khả thi khi thu hồi dự án khu đô thị Đa Phước theo bản án của tòa liên quan vụ án Vũ “nhôm”, đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng đề nghị TP cần có kiến nghị với T.Ư.

Lo ngại hệ lụy khi thi hành án

Ngày 7.7, tại phiên thảo luận chung kỳ họp thứ 15, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9, đại biểu (ĐB) Trần Tuấn Lợi cho biết phán quyết của TAND cấp cao tại Hà Nội số 158 ngày 12.5.2020 quyết định giao cho UBND TP.Đà Nẵng thu hồi khu đất 29 ha thuộc dự án (DA) khu đô thị (KĐT) Đa Phước được nhiều người quan tâm. Hiện người dân và các đối tác rất lo lắng khi sắp tới Cục Thi hành án dân sự (THADS) Hà Nội sẽ ủy thác Cục THADS TP.Đà Nẵng thi hành án. Theo ĐB Lợi, phán quyết này sẽ gây ra sự bất an cho hàng trăm người dân đang sinh sống ổn định, hợp pháp tại DA và có thể gây ra khiếu kiện đông người khi tổ chức thi hành án.
Cũng theo ông Lợi, hiện nay tổng dư nợ của Công ty Đa Phước tại 2 ngân hàng lên tới 1.500 tỉ đồng. Đây là các khoản vay để công ty đầu tư vào DA này. Khi toàn bộ DA bị thu hồi, công ty này khó tránh khỏi bị phá sản và lập tức các khoản nợ ngân hàng sẽ thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi. Ngoài ra, Công ty Đa Phước còn hợp tác, ký kết với hàng chục đối tác khác. Theo đó, các đối tác đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng tại DA. Nếu bị thu hồi, toàn bộ số tiền của các đối tác đầu tư sẽ bị mất, kéo theo sự phá sản hàng loạt doanh nghiệp.
“Việc thu hồi 29 ha không thể không tính tới việc giải quyết khối tài sản trên khu đất. Trong khi đó, tài sản và đất của Đa Phước và những nhà đầu tư khác không được đề cập trong bản án mà TAND cấp cao tại Hà Nội đã phán quyết. Do vậy, việc giao UBND TP.Đà Nẵng thu hồi khu đất này là không khả thi. Tôi nghĩ HĐND TP, Đoàn ĐB Quốc hội đơn vị Đà Nẵng có tiếng nói với các cơ quan có thẩm quyền T.Ư để tháo gỡ vấn đề này nhằm đảm bảo phán quyết của tòa được thực thi, đảm bảo quyền lợi cho công dân và nhà đầu tư tại DA”, ông Lợi nói.
Ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục THADS TP.Đà Nẵng, cho biết Bản án sơ thẩm số 20 của TAND TP.Hà Nội và Bản án số 158 của TAND cấp cao tại Hà Nội giao Đà Nẵng thi hành án nhiều DA, trong đó có KĐT Đa Phước. Đối với DA KĐT Đa Phước, Cục THADS TP.Đà Nẵng chưa nhận ủy thác. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Cục THADS Hà Nội sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ bản án này, ủy thác cho Cục THADS Đà Nẵng tổ chức thi hành án.

Sốt ruột với phản hồi về sân chi lăng

Liên quan những vướng mắc trong thi hành án Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng, ĐB Huỳnh Minh Chức kiến nghị TP có thể mời các chuyên gia về luật để tập trung tháo gỡ, xử lý. Trong khi đó, ĐB Trần Tuấn Lợi cho biết ngày 27.5 vừa qua, lãnh đạo Tổng cục THADS đã làm việc với lãnh đạo TP, kết luận giao Cục THADS TP.Đà Nẵng có báo cáo với Tổng cục THADS và đề nghị các cấp có thẩm quyền kiến nghị Chánh án TAND tối cao kháng nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm. Theo ĐB Lợi, UBND TP muốn giữ lại SVĐ Chi Lăng bằng cách hoàn trả số tiền sử dụng đất và các khoản thu tài chính khác mà Tập đoàn Thiên Thanh thực nộp vào TP là 1.252 tỉ đồng. Trong khi tập đoàn này đã thế chấp SVĐ Chi Lăng và đang nợ 2 ngân hàng tiền gốc và lãi đến thời điểm hiện tại là gần 9.000 tỉ đồng. “Để giải quyết nhanh vấn đề này cần có sự hòa giải giữa các bên có liên quan gồm Tập đoàn Thiên Thanh, đại diện các ngân hàng và UBND TP”, ông Lợi nói.
Ông Trần Phước Thu thông tin, trong vụ án này, Cục THADS TP.HCM và Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi ủy thác thu hồi gần 4.132 tỉ đồng tiền gốc, tiền lãi khoảng 4.000 tỉ đồng. Ngoài tài sản là khu phức hợp SVĐ Chi Lăng còn có quyền sử dụng đất tại 209 Trường Chinh (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng). Ông Thu cho hay, vụ việc này có nhiều phức tạp, vướng mắc do tình trạng pháp lý không rõ ràng. SVĐ đã được phân thành 14 lô và cấp giấy chứng nhận sở hữu đất không đúng thủ tục pháp lý cho các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh 10 lô, còn 4 lô chưa được giải tỏa.
Theo ông Thu, UBND TP.Đà Nẵng và Ban Chỉ đạo thi hành án TP đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc TP muốn lấy lại SVĐ. Trong năm 2018 và 2019, có 2 đoàn T.Ư đã về kiểm tra thực tế, ghi nhận khó khăn. “Từ tháng 7.2019 đến nay, Cục THADS TP đã nhiều lần gửi đề nghị giám đốc thẩm bản án SVĐ Chi Lăng vì không thể thực hiện thi hành án được. Tuy nhiên, TAND tối cao vẫn chưa có văn bản phản hồi. Đơn vị cũng đã có báo cáo gửi Ban Nội chính T.Ư để tháo gỡ nhưng vẫn chưa có phản hồi. Tôi kiến nghị lãnh đạo TP cần có ý kiến”, ông Thu nói.
Liên quan đến các ý kiến của ĐB, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết HĐND TP sẽ tổng hợp những vướng mắc để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ khó khăn trong thi hành án các vụ án đã nêu.

Hà Nội không tăng học phí

Sáng 7.7, với 100% ĐB có mặt nhất trí, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và học phí Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội năm học 2020 - 2021. Theo đó, học phí đối với trẻ 5 tuổi, THCS và giáo dục thường xuyên cấp THCS khu vực thành thị được giữ nguyên là 155.000 đồng/tháng, nông thôn 75.000 đồng/tháng và miền núi 19.000 đồng/tháng. Học phí mầm non (không gồm mầm non 5 tuổi), THPT và giáo dục thường xuyên cấp THPT ở khu vực thành thị là 217.000 đồng/tháng, nông thôn 95.000 đồng/tháng và miền núi 24.000 đồng/tháng. Mức học phí cũng giữ nguyên đối với 2 trường trung cấp của TP, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long 900.000 đồng/tháng; Trường trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội có 2 mức là 750.000 đồng/tháng đối với ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, ngành nông, lâm, thủy sản; và 800.000 đồng/tháng đối với ngành thể dục thể thao, nghệ thuật, ngành khách sạn, du lịch. Bậc tiểu học được miễn học phí, theo quy định của luật Giáo dục.
Theo Phó chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập. Do đó, việc TP đề xuất giữ nguyên mức học phí như năm học trước là phù hợp với khả năng đóng góp của phụ huynh, đảm bảo chính sách an sinh xã hội.
Vũ Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.