Ngày 15.1, ông Nguyễn Trần Hoàng, Tổ trưởng Tổ kiểm tra liên ngành, Phó chánh Thanh tra giao thông Đà Nẵng, cho hay thực tế trong năm 2018, các đội liên ngành tiến hành kiểm tra, phát hiện các lỗi xe mang biển số Lào phổ biến là không có giấy tờ liên vận quốc tế, không có bản dịch sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh, không có danh sách hành khách theo quy định…vi phạm hoạt động trên 30 ngày ở lãnh thổ nước khác...
Theo quy định, ngoài phương tiện được ký kết thỏa thuận giữa hai đầu bến của 2 nước liền kề Việt Nam - Lào, phần lớn các xe biển sốLào đều được thuê hoặc mua từ Lào mang về hoạt động trong nước, chủ yếu hợp đồng phục vụ các tour giá rẻ.
Nhờ chi phí mua xe Lào chỉ bằng 50% tại Việt Nam, đăng ký giấy tờ, thủ tục liên vận cũng dễ dàng, dẫn đến doanh nghiệp dễ dàng phá giá dịch vụ.
Theo Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, hiện nay nội thị có nhiều xe khách loại 45 chỗ mang biển số Lào hoạt động thường xuyên, gần đây tăng lên đáng kể so với trước, khoảng hơn 50 xe.
|
|
Các doanh nghiệp thuê xe từ Lào về, cho các doanh nghiệp khác thuê lại, hoặc thông qua liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt - Lào. Có nhiều cá nhân mua xe từ Lào, không đăng ký kinh doanh, mang về trong nước cho doanh nghiệp khác thuê lại.
Đáng nói, những xe này đã qua thời gian dài sử dụng, nhiều xe tự ý thay đổi kết cấu, màu sơn mà không đăng ký, không có phù hiệu vận tải quốc tế liên vận; một số xe kiểm định, giấy phép liên vận đã hết hạn, hoạt động không đúng hành trình, lịch trình giữa hai điểm đã đăng ký trong lãnh thổ Việt Nam.
Các xe này còn vi phạm quy định các Hiệp định, Nghị định ký kết giữa hai nước. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn vì vận tải liên vận quốc tế chưa rõ ràng cụ thể, chưa có tiền lệ xử lý trục xuất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
|
|
Trong năm 2018, các tổ công tác liên ngành Đà Nẵng đã xử phạt 63 xe biển số Lào, tạm giữ 14 xe, với các lỗi chủ yếu không giấy phép liên vận quốc tế, không phù hiệu vận chuyển khách quốc tế, không chứng nhận tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải khách, không có hợp đồng vận chuyển, không đăng ký xe, không có tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập -tái xuất.
Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, mặc dù liên tục xử lý xe biển số Lào, nhưng các doanh nghiệp vẫn tìm cách đối phó. Đơn cử, các xe này được “mua đứt bán đoạn” nhưng không làm thủ tục mua bán để trốn thuế, lách bằng cách ký hợp đồng với người Lào đưa xe vào Việt Nam rồi mua bán, chuyển nhượng.
“Khi họ vi phạm chúng ta không có chế tài tịch thu, hay tiền lệ trục xuất phương tiện vi phạm ra ngoài lãnh thổ, chỉ tạm giữ có thời hạn, khi trao trả, xe lại tiếp tục hoạt động”, ông Nguyễn Trần Hoàng nói.
|
|
Công tác xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp một số nhà xe quá khích còn đe dọa các tổ công tác. Cán bộ dịch thuật tiếng Lào không đủ nên gặp khó trong giao tiếp.
Theo Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, trong năm 2019, sở này tiếp tục kiến nghị kiện toàn Tổ liên ngành kiểm tra xe trá hình, xe biển số Lào, bổ sung vào tổ liên ngành các cán bộ Phòng An ninh kinh tế Công an TP.Đà Nẵng và phiên dịch viên.
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cũng sẽ kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo đến Tổng cục Hải quan và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng không cho các xe biển số Lào gia hạn hoạt động vận chuyển khách giữa hai điểm của một bên ký kết và không cho các xe bị buộc tái xuất tiếp tục tạm nhập vào Việt Nam để hoạt động.
|
|
Bình luận (0)