Thiếu shipper, khách liên tục hủy đơn
TP.Đà Nẵng cho phép nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại các khu vực vùng xanh (vùng trải qua 14 ngày liên tục không có ca Covid-19 cộng đồng) được phép hoạt động trở lại kể từ ngày 5.9 sau 20 ngày phong tỏa “ai ở đâu thì ở đó”. Tuy nhiên đến hôm 8.9, nhiều cơ sở kinh doanh, cửa hàng, dịch vụ ăn uống vẫn “cửa đóng then cài".
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, bên cạnh số ít hàng quán ở vùng xanh thuộc Q.Hải Châu mở cửa trở lại, đa số các cửa hàng ở vùng xanh đều đóng cửa. Tại phố ăn uống Huỳnh Thúc Kháng (P.Bình Hiên, Q.Hải Châu), số lượng hàng quán mở bán rất ít.
|
Anh Lê Hữu Hoàng (chủ quán Pizza trên đường Nguyễn Chí Thanh, P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) là số ít người đã mở cửa hàng bán lại trong 2 ngày qua. Khi biết tin hàng quán trong vùng xanh có thể bán mang về, anh đã khẩn trương liên hệ với nhà cung ứng thực phẩm.
“Mấy ngày qua, quán đã nhận được hàng chục đơn đặt hàng đặt qua hệ thống mỗi ngày. Sau 20 ngày phải tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, nay được bán trở lại chúng tôi rất mừng”, anh Hoàng nói.
|
Tuy nhiên, theo anh Hoàng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhập nguyên vật liệu về cao hơn so với ngày thường, vì vậy giá bánh thành phẩm theo đó cũng tăng. Mặc dầu vậy, khách hàng vẫn chấp nhận vì lâu rồi họ mới được đặt ship thức ăn. Tiếc rằng do shipper hoạt động còn hạn chế nên ảnh hưởng đến số lượng bánh bán ra.
“Khách chủ yếu đặt qua ứng dụng mua hàng online của cửa hàng, mà số lượng shipper vẫn còn rất hạn chế. Nhiều khách hàng chờ quá lâu nên hủy đơn”, anh Hoàng nói.
|
Sợ công sức “đổ sông đổ bể” nên… chờ
Nhiều chủ quán phục vụ ăn uống vẫn chưa mặn mà mở cửa bán mang đi do TP.Đà Nẵng vẫn đang siết chặt các biện pháp phòng dịch đối với các khu vực vùng vàng, vùng đỏ nên việc đi lại giữa các khu vực vẫn đang bị kiểm soát chặt.
Bà Tâm Được (chủ quán ăn trên đường Nguyễn Thái Học, Q.Hải Châu) cho biết thời điểm này, việc đi chợ mua nguyên liệu chế biến thức ăn gặp trở ngại, nên khó mở lại quán.
|
"Việc đi chợ ở vùng xanh cũng còn kiểm soát chặt, giá các nguyên vật liệu thì tăng cao so với ngày thường. Theo quy định, người ở vùng xanh được đi chợ 5 ngày/lần thì đảm bảo đồ tươi để bán cũng khó. Trong khi đó, sức mua cũng hạn chế, liên hệ shipper để giao đơn cho khách thì rối rắm nên tôi chưa vội mở cửa, để chờ thêm xem sao…", bà Được giải thích.
Chị Hằng, chủ quán ăn trên đường Huỳnh Thúc Kháng, dù đã chuẩn bị hết điều kiện để mở cửa trở lại nhưng vẫn quyết định đóng quán thêm 1 tuần nữa để chờ quyết định mới của thành phố. Theo chị, vội vàng cũng không được, vì mở bán sợ ế ẩm, chưa nói còn lo sợ công sức chống dịch ròng rã gần 1 tháng qua của TP.Đà Nẵng sẽ "đổ sông đổ bể”.
“Mấy lần trước, mở bán được mấy ngày lại đóng cửa vì dịch Covid-19 quay lại. Lần này, để ổn định hẳn rồi buôn bán lại luôn lần. Dịch bệnh như vậy mở cửa bán trở lại cũng lo lắm, lỡ dịch quay lại lần nữa thì công sức "ở yên trong nhà" lâu nay coi như vứt bỏ hết”, chị Hằng nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Phúc Bảo Nam (Chủ tịch UBND P.Nam Dương, Q.Hải Châu) cho biết để các hàng quán phục vụ bán mang đi hoạt động trở lại an toàn, địa phương luôn nhắc nhở phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể, khu vực bán hàng phải giăng dây, vạch kẻ để phân luồng ra vào, giãn cách giữa những người mua, bán hàng.
|
“Hàng quán mở bán trở lại tại phường còn ít, do shipper chủ yếu tập trung tại các hàng quán với số lượng đơn đặt nhiều. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu để các cửa hàng mở bán chưa có, thuê nhân công thì không đủ điều kiện chi trả”, Chủ tịch UBND P.Nam Dương thông tin.
Theo ông Trương Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND quận Hải Châu, ngoài các yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K trong suốt quá trình mua bán, chính quyền quận cũng đã lập danh sách để tiêm vắc xin cho các hộ kinh doanh bán hàng mang về. "Tinh thần là nới lỏng một số hoạt động theo quy định của thành phố Đà Nẵng, kết hợp với việc bảo vệ vùng xanh an toàn”, ông Dũng nói.
Bình luận (0)