Trước đó, bà B.T.M (69 tuổi, quê Quảng Ngãi) được đưa vào Bệnh viện đa khoa Tâm Trí TP.Đà Nẵng trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém kèm vàng mắt vàng da. Các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh gan tiến triển, nên chỉ định thực hiện cận lâm sàng (xét nghiệm nước tiểu, máu, siêu âm ổ bụng, chụp CT...) và khám bệnh, chẩn đoán viêm gan tự miễn.
Qua 5 ngày điều trị tích cực, theo dõi và dùng thuốc, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, vàng mắt vàng da cải thiện, ăn uống ngon miệng hơn và sinh hoạt bình thường.
ThS-BS Trương Ánh Diệu, Trưởng khoa Nội của bệnh viện, cho biết viêm gan tự miễn (Autoimmune Hepatitis - AIH) là một rối loạn đa hệ thống và có thể cùng xảy ra với các bệnh tự miễn khác, gây tổn thương gan do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công hủy hoại tế bào gan.
ThS-BS Trương Ánh Diệu kiểm tra tình trạng bệnh nhân |
NGUYỄN TÚ |
Viêm gan tự miễn do sự tấn công của hệ thống miễn dịch qua trung gian tế bào, sự tấn công này trực tiếp chống lại tế bào gan và có tính di truyền.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển mạn tính và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và không thể phục hồi như xơ gan, ung thư gan.
Đây là bệnh lý rất hiếm gặp, tỉ lệ mắc bệnh này khoảng 1,9/100.000 người, ở nhóm xung quanh tuổi 40, chỉ khoảng 20% viêm gan tự miễn được chẩn đoán sau 60 tuổi. Bệnh có tỷ lệ nhiễm 3-4 nữ/1 nam.
“Viêm gan tự miễn đa số có biểu hiện không đặc hiệu như mệt mỏi, đau hạ sườn phải, vàng da, hay gặp là chảy máu cam, chảy máu chân răng và xuất huyết dưới da. Cho nên, người bệnh cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được điều trị”, ThS-BS Trương Ánh Diệu chia sẻ.
Bình luận (0)