Theo ban tổ chức, Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng lần đầu tiên được tổ chức tại TP.Đà Nẵng và miền Trung với mục tiêu quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của TP.Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng chứng kiến hàng loạt thỏa thuận hợp tác và ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Cụ thể, hợp tác giữa Sở TT-TT TP.Đà Nẵng với các Công ty TNHH Synopsys International, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Công ty CP Tập đoàn Sovico, Công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam, Makara Capital Partners về việc hợp tác và hỗ trợ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của TP.Đà Nẵng.
Tương tự, Hội nghị kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng cũng diễn ra lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (Sở TT-TT) về phối hợp, hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với 6 trường đại học trên địa bàn; hợp tác đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn và hỗ trợ phòng lab phục vụ nghiên cứu, đào tạo với Công ty CP Tecotec Group, Công ty K&H MFG; Trao hợp đồng triển khai đào tạo đóng gói, kiểm thử bán dẫn giữa Trường đại học Đông Á và Trường đại học Khoa học kỹ thuật Minh Tân (Đài Loan - Trung Quốc); Cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng thiết kế vi mạch cho 22 giảng viên nguồn của TP.Đà Nẵng do Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng phối hợp với Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Bùi Hoàng Phương cho biết, Việt Nam đang ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. TP.Đà Nẵng là địa phương năng động, tiêu biểu cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo. Đây là những đặc trưng phù hợp để phát triển công nghiệp bán dẫn.
Với những lợi thế trên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo. Đây là động lực để thu hút nguồn lực nước ngoài đầu tư vào địa phương.
Thứ trưởng Bộ TT-TT đề nghị TP.Đà Nẵng chủ động xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ để góp phần thực hiện hóa mục tiêu Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của quốc gia, chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong giai đoạn trước mắt, cần ưu tiên hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng để thúc đẩy, phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực.
TP.Đà Nẵng cần sớm nghiên cứu và xây dựng các nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn để cụ thể hóa các nội dung quy định tại Nghị quyết 136 vào thực tế, kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho rằng, TP.Đà Nẵng cần triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, dự án nêu tại đề án Phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hoàn thành mục tiêu của thành phố đào tạo ít nhất 5.000 kỹ sư lĩnh vực vi mạch bán dẫn đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia.
Bình luận (0)