Đà Nẵng đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho các công trình văn hóa

18/02/2025 14:51 GMT+7

Năm 2025, TP.Đà Nẵng dành hàng trăm tỉ đồng đầu tư các công trình văn hóa, nhất là các di tích, địa điểm du lịch quan trọng.

Ngày 18.2, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết trong năm 2025, các công trình văn hóa trên địa bàn thành phố được ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ.

Ra quân đầu tiên trong các công trình văn hóa sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ là công trình mở rộng, tu bổ và phục hồi di tích nhà thờ tộc Thái (P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ), do UBND Q.Cẩm Lệ làm chủ đầu tư.

Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 8,7 tỉ đồng, gồm các hạng mục tu bổ, cải tạo nhà thờ Tộc Thái, lăng mộ chí sĩ Thái Thị Bôi, đình làng Nghi An, nhà đặt tượng chí sĩ Thái Phiên và chí sĩ Thái Thị Bôi, khu miếu Âm linh, khu nhà trù và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông…

Đà Nẵng

Quân khu 5 bàn giao đất để nâng cấp di tích nhà thờ tộc Thái, lăng mộ chí sĩ Thái Thị Bôi, đình làng Nghi An

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Thái Phiên và Thái Thị Bôi là những chí sĩ sinh tại làng Nghi An (tổng Phước Tường, H.Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay là P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng). Thái Thị Bôi gọi Thái Phiên là chú ruột, là người tiếp nối lý tưởng của chí sĩ Thái Phiên cho sự nghiệp cứu nước của dân tộc.

Theo Ban quản lý dự án và giải phóng mặt bằng Q.Cẩm Lệ, năm 2025 quận có 81 công trình với tổng nguồn vốn hơn 400 tỉ đồng. Trong đó, nhiều công trình trọng điểm chào mừng 50 năm ngày giải phóng TP.Đà Nẵng và đại hội Đảng bộ các cấp, tập trung cho các dự án văn hóa, dân sinh như tôn tạo chỉnh trang Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang và khuôn viên, cải tạo cảnh quan vỉa hè đường Thăng Long (giai đoạn 2), Trung tâm Văn hóa thể thao P.Hòa Phát.

Ông Hồ Hải Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án và giải phóng mặt bằng Q.Cẩm Lệ, cho biết nhà thờ tộc Thái hay các công trình văn hóa, di tích, lịch sử khác được chú trọng đầu tư tôn tạo, phục hồi khang trang nhưng phải giữ được yếu tố nguyên gốc, đáp ứng nguyện vọng nhân dân. Do đó, việc thi công cần trách nhiệm, nghiêm túc, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động.

Nhà thờ tộc Thái, lăng mộ chí sĩ Thái Thị Bôi, đình làng Nghi An là cụm di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, theo quy hoạch sẽ đề nghị công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, được Bộ Quốc phòng chuyển giao 5.000 m2 để TP.Đà Nẵng mở rộng di tích.

Đà Nẵng

Nghĩa trủng Gò Đồ

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Đối với Nghĩa trủng Gò Đồ (P.Hòa Phát), Q.Cẩm Lệ phối hợp Sở VH-TT đề nghị công nhận di tích cấp thành phố, tuy nhiên hiện đang vướng khu vực nằm trong đất quốc phòng nên đang xúc tiến các bước đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 bàn giao đất khu vực nghĩa trủng và kể cả đường vào cho địa phương.

Theo Sở Xây dựng, năm 2025, thành phố dành gần 100 tỉ đồng xây dựng, cải tạo 3 công trình văn hóa. Đáng chú ý là dự án Khu công viên phía tây đền thờ Thoại Ngọc Hầu (Q.Sơn Trà) diện tích hơn 6.500 m2, tổng mức đầu tư gần 71 tỉ đồng, gồm các hạng mục: công viên trung tâm, nhà điều hành, hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe…

Dự án nâng cấp, cải tạo Nhà hát Trưng Vương (Q.Hải Châu) tổng mức đầu tư gần 14 tỉ đồng, gồm các hạng mục: nội thất hội trường, khu vệ sinh, hệ thống mái, điều hòa trung tâm, đèn chiếu sáng.

Đà Nẵng

Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng (bìa phải), kiểm tra tiến độ triển khai dự án Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Dự án cải tạo, sửa chữa và nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Q.Hải Châu) có kinh phí 14 tỉ đồng gồm hạng mục tường rào, cổng ngõ, chống thấm, di dời bảo quản hiện vật.

Ngoài ra, TP.Đà Nẵng còn tập trung đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành Điện Hải (giai đoạn 2), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (giai đoạn 1 quy mô 140 tỉ đồng); khởi công dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29.3 (gần 700 tỉ đồng), mở rộng công viên Trung tâm hành chính Q.Liên Chiểu, công viên Trung tâm văn hóa - thể thao Hòa Cầm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.