Đà Nẵng: Hàng ngàn cơ sở kinh doanh ăn uống không đạt chuẩn

22/04/2016 08:45 GMT+7

Ngày 21.4, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã gặp mặt, tiếp xúc với 200 thương nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Ngày 21.4, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã gặp mặt, tiếp xúc với 200 thương nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Đoàn thanh tra ATVSTP kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh ăn uống tại Đà Nẵng - Ảnh: Diệu HiềnĐoàn thanh tra ATVSTP kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh ăn uống tại Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền
Đà Nẵng đã xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chuẩn để đánh giá các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng ăn uống. TP yêu cầu các cơ sở ký cam kết với chính quyền địa phương (từ 30.4 đến 1.6 dứt điểm).
Theo Sở Công thương TP.Đà Nẵng, tại TP hiện có 199 nhà hàng và 4.228 cơ sở ăn uống đăng ký kinh doanh. Trong đó, có 169 nhà hàng đạt chuẩn.
Riêng các cơ sở ăn uống, kết quả cho thấy tỷ lệ đạt chuẩn rất thấp, chỉ 11% (479/4.228 cơ sở). Như Q.Hải Châu có 1.126 cơ sở ăn uống chỉ có 48 cơ sở đạt chuẩn (tỷ lệ 4%).
Các quận, huyện khác 60% các cơ sở kinh doanh ăn uống không có giấy chứng nhận ATVSTP, hoặc giấy chứng nhận quá thời hạn. Nhiều cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ, ý thức về vệ sinh môi trường thấp, việc thực hiện còn mang tính đối phó với cơ quan chức năng.
Cũng theo Sở Công thương, trên địa bàn TP.Đà Nẵng hiện có nhiều cơ sở kinh doanh tự phát, không đảm bảo ATVSTP, lấn chiếm lòng lề đường… Hầu hết các cơ sở không đăng ký kinh doanh ổn định, tổ chức sau 17 giờ kéo dài đến đêm nên rất khó cho địa phương trong việc quản lý chất lượng ATVSTP.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở ăn uống vẫn còn chủ quan, thiếu quan tâm trong việc đầu tư sử dụng các thiết bị bảo quản thực phẩm. Việc phòng chống ruồi, gián, côn trùng còn sơ sài, khu vệ sinh phục vụ cho khách tại nhiều cơ sở ăn uống còn dơ bẩn...
Một số nhà hàng sử dụng nguyên liệu cũ qua ngày chế biến có nguy cơ gây ngộ độc cao. Việc sử dụng nguồn nước giếng bơm trong chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, dễ gây các bệnh về tiêu hoá…
Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng khẳng định, trong nhiều năm qua Đà Nẵng không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm hàng loạt, nhưng với tình hình vi phạm ATVSTP như hiện nay tại các nhà hàng ăn uống là đáng báo động, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người tiêu dùng.
Phạt nặng để răn đe
Tại buổi gặp gỡ với ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, hầu hết các đại diện nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống đều chung một quan điểm: xây dựng hoạt động ẩm thực sạch trên địa bàn Đà Nẵng.
Tại cuộc gặp, một chủ nhà hàng khẳng định: “Chạy theo lợi nhuận chỉ là cái lợi trước mắt chứ không thể lâu dài. Việc sử dụng các thực phẩm như heo, bò bơm nước, tẩm hóa chất vào các nguyên liệu khác cần tránh hoàn toàn. Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng phạt thật nặng những nơi vi phạm để có tính răn đe cao”.
Đại diện cơ sở bánh tôm bà Phúc thì nhấn mạnh, TP cần quy hoạch khu ẩm thực riêng của Đà Nẵng để những cơ sở đủ chuẩn vào kinh doanh, nâng cao văn hóa ẩm thực sạch của TP, và việc kiểm soát thực phẩm cũng được tiến hành tốt hơn.
Chia sẻ cùng với những doanh nhân, người kinh doanh mặt hàng ăn uống, ông Đặng Việt Dũng khẳng định, Đà Nẵng trong những năm gần đây có chủ trương xây dựng nền kinh tế với mũi nhọn du lịch, thương mại, dịch vụ, trong đó, du lịch dịch vụ được ưu tiên phát triển.
Với thương hiệu “TP an bình”, “TP đáng sống”, du khách đến Đà Nẵng không chỉ hưởng thụ không khí, văn hoá, các địa điểm tham quan mà còn muốn trải nghiệm ẩm thực. “Nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc, sai phạm mà chính quyền và các chủ đơn vị cần ngồi lại để tìm cách giải quyết để nâng cao chất lượng phục vụ.
Có nhiều cơ sở sử dụng hoá chất trong chế biến, sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc là việc làm cần lên án. Phải xây dựng chế tài chặt chẽ để xử lý những cơ sở vi phạm”, ông Dũng cũng cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.