Đà Nẵng kỳ vọng nền kinh tế số

20/09/2021 11:32 GMT+7

Tập trung phát triển doanh nghiệp CNTT-truyền thông, các DN có ứng dụng công nghệ số để có vai trò “dẫn dắt” nhằm tạo ra thị trường thu hút là một trong những giải pháp quan trọng Đà Nẵng xác định để cán đích mục tiêu là 1 trong 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số trong vòng 4 năm tới.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, UBND TP.Đà Nẵng đang chuẩn bị ban hành đề án chuyển đổi số (CĐS) để làm cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết 05 (NQ05) ngày 17.6.2021 của Thành ủy Đà Nẵng về CĐS trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đáng chú ý, tại NQ05, Thành ủy Đà Nẵng đặt nhiều kỳ vọng cho nền kinh tế số trong giai đoạn đầu (đến năm 2025).

Thành ủy Đà Nẵng đánh giá Đà Nẵng đã đạt một số kết quả bước đầu trong CĐS. Trong đó, ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của TP khi đóng góp 7,5% GRDP. Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp (DN) và xã hội ở mức khá cao, góp phần rút ngắn khoảng cách số trong cộng đồng.

Để tạo nền tảng CĐS, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng cần có chính sách ưu tiên phát triển DN công nghệ số địa phương, như: đặt hàng sản phẩm hoặc đề tài khoa học cho DN, hỗ trợ về thuế, phí; hỗ trợ, khuyến khích chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm công nghệ số, phát triển nội dung số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh... Ngoài ra, TP cần có chính sách hỗ trợ DN ngành nghề khác ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số trong sản xuất, kinh doanh.

Để hiểu rõ “nỗi đau” của DN

Về những giải pháp cụ thể, Bí thư Thành ủy đưa ra định hướng phát triển công nghiệp CNTT và DN công nghệ số, trong đó tập trung phát triển DN CNTT-truyền thông, các DN có ứng dụng công nghệ số để có vai trò “dẫn dắt” trong CĐS nhằm tạo ra thị trường, thu hút các DN công nghệ số đến Đà Nẵng hoạt động.

Theo Sở TT-TT TP.Đà Nẵng, để đạt được các mục tiêu tại NQ05, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ, thúc đẩy CĐS trong các DN trên địa bàn. Nhân Ngày CĐS Đà Nẵng (28.8) vừa qua, Sở đưa vào sử dụng ứng dụng khảo sát, lấy ý kiến về mức độ sẵn sàng và nhu cầu chuyển đổi số của DN trên địa bàn (địa chỉ: https://dx.danang.gov.vn). Sở TT-TT cho hay, ứng dụng này là để biết rõ các “nỗi đau” của DN, từ đó có hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện CĐS thuận lợi, hiệu quả. “Đây là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai các biện pháp hỗ trợ DN CĐS phù hợp theo yêu cầu thực tiễn”, bà Nguyễn Thu Phương, Phó giám đốc Sở TT-TT, thông tin thêm.

Với ứng dụng này, DN được hỗ trợ để nhận biết khả năng hiện tại, mức độ sẵn sàng CĐS của mình, từ đó xác định lộ trình, xây dựng chiến lược CĐS, điều chỉnh mô hình kinh doanh và quản trị cho phù hợp. Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở TT-TT, các cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể tổng hợp, phân tích, đánh giá mức độ CĐS của DN theo ngành, lĩnh vực. DN sẽ cung cấp thông tin khảo sát theo 11 nhóm tiêu chí, như định hướng chiến lược, chuỗi cung ứng, rủi ro và an ninh mạng… Phòng CNTT (Sở TT-TT) là đầu mối hỗ trợ, tiếp nhận ý kiến của đơn vị tham gia khảo sát. Sau khi khảo sát, Đà Nẵng sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, đồng thời tạo ra các mô hình, nền tảng, ứng dụng phù hợp với từng lĩnh vực, từng nhóm để DN sớm sử dụng, hiệu quả. “Sở sẽ tham mưu UBND TP có cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN CĐS”, ông Thạch cho biết thêm.

Phát triển mạnh kinh tế số

Với NQ05, Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về CĐS và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP của TP (trong đó công nghiệp CNTTchiếm tối thiểu 10% GRDP); tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; có 1.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, DN sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới; có 3 DN công nghệ số/1.000 dân, ít nhất 5 DN doanh thu trên 1.000 tỉ đồng/năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.