Đà Nẵng lo thiếu nguồn lực dập dịch

05/08/2020 05:22 GMT+7

Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid -19 đã khiến vùng tâm dịch như TP. Đà Nẵng đối diện cùng lúc 2 khó khăn lớn: thiếu hụt cả nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất để tổ chức xét nghiệm, cách ly tập trung.

Cấp tập lập cơ sở cách ly tập trung

Hôm qua 4.8, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5, cho biết quân khu đã tổ chức 12 điểm cách ly tập trung do các đơn vị trực thuộc đảm nhận, quy mô hơn 3.000 người. Đây là những người về từ nước ngoài và các đối tượng F1, F2. Riêng Bệnh viện (BV) Quân y 17 đang có hàng chục giường sẵn sàng điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19

Tâm sự người dân sống trong khu phong toả ở Đà Nẵng vì Covid-19

Các khu cách ly tập trung của quân đội đã giúp “chia lửa” cho vùng tâm dịch Đà Nẵng, nhưng xem ra chưa đủ. Bởi tính đến ngày 4.8, theo số liệu thống kê của Sở Y tế, TP.Đà Nẵng xác định có đến 8.402 trường hợp F1 (tiếp xúc trực tiếp BN Covid-19), 6.127 trường hợp F2 và hiện đang cách ly 4.248 F1 tại các cơ sở y tế, 4.054 F1 tại khu cách ly tập trung, 100 F1 tại nhà (chưa kể cách ly 537 trường hợp nhập cảnh). Để đáp ứng các điều kiện cách ly tập trung, Đà Nẵng triển khai hàng loạt khu cách ly lớn, như khu ký túc xá (KTX) phía tây TP (gần 1.000 trường hợp F1), các khách sạn lớn ở Q.Sơn Trà… Thêm một số KTX khác cũng được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung F1 như tại Học viện Chính trị khu vực 3, Trường CĐ Lương thực thực phẩm và một số trường ĐH (Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, CNTT - Truyền thông Việt - Hàn...).

Bản tin Covid-19 ngày 4.8: Mầm bệnh đã 'chui' vào cộng đồng

Có 2 BV dã chiến đã lập nhưng chỉ có 1 BV chính thức hoạt động (Trung tâm y tế H.Hòa Vang quy mô 200 giường, đón 58 BN Covid-19). BV dã chiến thứ 2 tại Cung thể thao Tiên Sơn (quy mô ban đầu 700 giường, có thể nâng lên 1.000 giường) vẫn đang xây dựng, dự kiến hôm nay 5.8 hoàn thành. Trong tình huống BV dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn “lấp đầy”, có thêm BV dã chiến thứ 3 tại trung tâm hội chợ triển lãm được tính đến.
Chiều qua, TP.Đà Nẵng cũng chính thức yêu cầu các quận, huyện khẩn trương rà soát, chuẩn bị thiết lập các khu cách ly tập trung, ưu tiên thiết lập các khu cách ly tập trung quy mô nhỏ để thuận tiện trong tổ chức thực hiện, giám sát… Với chừng đó cơ sở vật chất, tâm dịch Đà Nẵng sẽ vất vả ứng phó nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nhưng điều mà lãnh đạo TP.Đà Nẵng lo lắng không chỉ là câu chuyện về cơ sở vật chất. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho hay việc xây dựng một BV dã chiến sẽ rất nhanh, chỉ trong khoảng 1 tuần. “Nhưng để hoàn chỉnh, đủ điều kiện đi vào hoạt động thì đòi hỏi phải đầy đủ, đồng bộ về nhân lực với cả bộ máy hàng trăm y bác sĩ. TP không có sẵn thì phải điều từ chỗ này sang chỗ khác và kiến nghị Bộ Y tế chi viện thêm nhân lực, đề nghị các địa phương không có dịch hỗ trợ nguồn cán bộ”, ông Thơ nói. Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cũng tỏ ra lo lắng về nhân lực dành cho BV dã chiến thứ 2 tại Cung thể thao Tiên Sơn, như thiếu 1 phó giám đốc phụ trách chuyên môn. Bà Yến cho biết Sở Y tế đang làm việc với Bộ Y tế đề nghị điều động cán bộ về Đà Nẵng hỗ trợ.

Chỉ 4 cơ sở được cấp phép xét nghiệm

Ngay cả năng lực và điều kiện xét nghiệm của TP.Đà Nẵng cũng rất đáng được quan tâm. Theo Sở Y tế, hiện chỉ có 4 cơ sở là BV Đà Nẵng, BV Phổi, BV 199 - Bộ Công an, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime-PCR.
Sở Y tế Đà Nẵng cho rằng đối với cấp độ dịch Covid-19 Đà Nẵng, việc xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng phải thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR. Năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng hiện ở mức trên dưới 10.000 mẫu/ngày. Tính từ ngày 25.7 đến nay, gần 20.000 mẫu xét nghiệm được xử lý, trong đó hơn 13.000 mẫu đã cho kết quả.

Đà Nẵng xét nghiệm Covid-19 theo phương pháp gộp nhóm từ ngày 5.8

PV Thanh Niên đặt vấn đề trong điều kiện “năng lực xét nghiệm” hiện tại (chỉ với trên dưới 10.000 mẫu/ngày, với 4 cơ sở xét nghiệm), TP.Đà Nẵng sẽ phải tính đến phương án nào để tổ chức xét nghiệm tại địa bàn TP có quy mô hơn 1 triệu dân trong thời gian tới? Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết TP đã bắt đầu triển khai xét nghiệm nhóm và kỳ vọng phương pháp sàng lọc diện rộng theo nhóm. Theo ông, thời gian đến Đà Nẵng sẽ nâng năng lực xét nghiệm đạt trên 20.000 - 30.000 mẫu/ngày.
Về góc độ chuyên môn, bà Ngô Thị Kim Yến cho rằng phải hiểu đúng là Đà Nẵng sẽ làm “xét nghiệm diện rộng trên quy mô toàn dân”, chứ không phải “xét nghiệm toàn dân”. “Với kỹ thuật xử lý xét nghiệm mới, được hỗ trợ chuyên môn từ Viện Pasteur Nha Trang, thì con số xét nghiệm sàng lọc có thể được nâng lên đến gần 30.000 mẫu/ngày và tin rằng Đà Nẵng sẽ làm được”, bà Yến nói.
Sở Y tế Đà Nẵng đang khuyến khích các cơ sở y tế trên địa bàn đầu tư nguồn lực để đảm bảo xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime-PCR, đảm bảo cả năng lực và điều kiện pháp lý, để cùng TP triển khai phương án xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng.

Khẩn trương mở cửa trở lại các BV

Theo Bộ Y tế, trang bị y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị trong dịch Covid-19 đang bùng phát tại miền Trung. Thống kê đến ngày 1.8, cả nước có 6.485 máy thở các loại, 485 máy X-quang di động, 1.486 máy siêu âm màu, 676 máy lọc máu liên tục, 17.191 bơm tiêm điện và 62 hệ thống ECMO. Trong đó, tại Đà Nẵng có 129 máy thở các loại, 30 máy siêu âm màu, 3 máy lọc máu liên tục, 320 bơm tiêm điện, 2 hệ thống ECMO. Các địa phương khác như: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đều có các thiết bị y tế thiết yếu điều trị BN Covid-19 như: máy thở, siêu âm màu, máy theo dõi BN, máy truyền dịch, có thể hỗ trợ Đà Nẵng…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết các trang thiết bị chống dịch đã được các sở y tế dự trù. Bộ Y tế trong giai đoạn 1 của dịch cũng đã mua dự trữ quốc gia đảm bảo đầy đủ cho nhân viên y tế. Về lâu dài, các đơn vị sản xuất trong nước được huy động sản xuất khẩu trang, trang phục y tế. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã nhập trang phục bảo hộ y tế, cũng như một số đơn vị tăng cường sản xuất giúp cho ngành y tế có đủ thiết bị y tế phòng chống dịch.
''Bộ Y tế đã điều động các chuyên gia giỏi đến Đà Nẵng, khi cần thiết chúng tôi sẽ điều tiết thêm các chuyên gia dịch tễ, điều trị, xét nghiệm cũng như trang thiết bị, các nguồn lực, tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch'', Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị cán bộ, chiến sĩ BV Quân y 17 (Quân khu 5) chuẩn bị tốt lực lượng, cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó, thu dung và điều trị các BN Covid-19 trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ chuyên môn cùng BV.
Liên quan việc “làm sạch” để mở cửa trở lại 3 BV đang bị phong tỏa tại Đà Nẵng, ông Sơn cho biết đến ngày 7.8, sau khi xét nghiệm nếu đảm bảo an toàn sẽ có kế hoạch mở cửa BV C Đà Nẵng trước. Với BV Đà Nẵng, sau khi chuyển hết BN Covid-19 đến các nơi khác điều trị sẽ cho xét nghiệm lại toàn thể y bác sĩ, cán bộ, nhân viên; nếu kết quả âm tính sẽ mở cửa trở lại. Trường hợp BV thứ 3 bị phong tỏa (BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng) cũng tương tự.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 5.8: Thêm 2 ca mắc mới liên quan Bệnh viện Đà Nẵng

Kêu gọi Bình Định, Hải Phòng hỗ trợ

Chiều 4.8, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký công văn gửi tỉnh Bình Định và TP.Hải Phòng đề nghị hỗ trợ về nhân lực ngành y trong chống Covid-19.
Theo ông Thơ, số ca mắc Covid-19 sẽ còn tăng trong những ngày tới. Các trường hợp F1 cũng đã được truy vết, phát hiện, tập trung cách ly, xét nghiệm với số lượng ngày càng nhiều, trong đó đã phát hiện nhiều ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đưa vào điều trị tại các cơ sở y tế. Bộ Y tế và các BV đầu ngành của cả nước (Bạch Mai, Chợ Rẫy, T.Ư Huế) đã hỗ trợ nhân lực, phương tiện cùng TP trong chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhân lực ngành y tế Đà Nẵng đang ở vào thời điểm rất khó khăn. Đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên y tế đang công tác tại các BV lớn và các cơ sở y tế của TP đã bị phong tỏa, đang trong tình trạng cách ly toàn bộ hoặc cách ly một phần nên không đủ nhân lực để điều phối, sử dụng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của TP.Đà Nẵng, TP.Hải Phòng hôm qua đã quyết định cử đoàn cán bộ 33 người (gồm 8 bác sĩ và 25 điều dưỡng) đến Đà Nẵng, đồng thời hỗ trợ 5 tỉ đồng để thực hiện công tác phòng chống dịch. Dự kiến hôm nay Bình Định cũng thông qua kế hoạch hỗ trợ Đà Nẵng.
Cùng ngày, CLB Hoa Lan đột biến Sông Hàn đã trao tặng 5 chiếc máy thở được sản xuất bởi một hãng của Mỹ cho BV Đà Nẵng, trị giá 2,75 tỉ đồng. Ông Võ Anh Truyền, Chủ nhiệm CLB, cho biết sau lời kêu gọi mua máy thở, số tiền quyên góp của CLB lên đến 8,5 tỉ đồng và CLB đã đặt mua được 5 máy thở; hiện đang mua 1 bộ máy đo thân nhiệt từ xa (hơn 200 triệu đồng) để tặng BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và đặt hàng thêm nhiều máy thở để tặng các BV khác.
Hội đồng hương H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) tại TP.HCM cũng trao tặng 300 giường tầng, 50.000 khẩu trang y tế và tiền mặt (tổng trị giá 620 triệu đồng) cho UBND H.Hòa Vang. Trước mắt, giường tầng và khẩu trang được trang bị cho Trung tâm y tế H.Hòa Vang (nơi có BV dã chiến). Cùng ngày, Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM và Hội Doanh nhân Quảng Nam phía nam cho biết, đã vận động được gần 1,4 tỉ đồng sau 2 ngày phát động ủng hộ các BV tại Quảng Nam - Đà Nẵng.
Hoàng Sơn - Nguyễn Tú - Hoàng Trọng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.