Đà Nẵng: Rộng cửa đãi ngộ nhân tài

27/11/2019 11:06 GMT+7

Với việc chỉ ra hàng loạt hạn chế trong việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, UBND TP.Đà Nẵng sẽ thay đổi chiến lược đãi ngộ nhân tài, trong đó ưu tiên thu hút hơn là chỉ dừng ở việc... cử người đi học.

“Nhân tài” vẫn chờ cơ hội nhảy việc

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa có báo cáo gửi HĐND TP về việc đánh giá chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Việc thu hút nhân lực được triển khai từ năm 1998 bằng chính sách đãi ngộ ban đầu đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại TP. Chủ trương đã bổ sung kịp thời nhân lực cho khu vực công của TP và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đây là nguồn nhân lực quý, đáp ứng một phần nhu cầu để phát triển một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn…
Tuy nhiên, chính sách thu hút nhân tài của Đà Nẵng thực hiện trong nhiều năm qua đã bộc lộ hàng loạt hạn chế. Cụ thể, chỉ đạo của TP trong công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thống nhất giữa thu hút và đào tạo. Việc giao các cơ quan khác nhau triển khai trong phát triển nhân tài dẫn đến nhiều bất cập và chồng chéo trong chỉ tiêu ngành nghề thu hút và đào tạo. Công tác dự báo, điều tra để xây dựng chỉ tiêu ngành nghề chưa sát hợp; việc xác định nhu cầu nhân sự dựa trên cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, chưa gắn thu hút và đào tạo với chỉ tiêu số lượng biên chế T.Ư giao… Những vấn đề này khiến khâu đào tạo và thu hút còn dàn trải, cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp, số lượng vượt chỉ tiêu biên chế được giao, còn nặng về đào tạo trí thức và thu hút bằng cấp...
Khi đã tiếp nhận và tuyển dụng, vẫn có tình trạng một số đơn vị thụ động, miễn cưỡng, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy hiệu quả nhân lực đào tạo. Chính sách đãi ngộ, giữ chân các đối tượng thu hút còn nhiều vướng mắc và thiếu đồng bộ. Chủ tịch UBND TP nhìn nhận: “Đối tượng đào tạo và thu hút không thực hiện đúng cam kết trong thực hiện đề án. Nhiều người có tư tưởng làm việc chờ hết đến hợp đồng để tìm kiếm công việc khác với mức lương cao hơn, hoặc chấp nhận bồi hoàn kinh phí đào tạo để xin ra khỏi đề án. Nhất là khi TP điều chỉnh mức bồi hoàn chi phí đào tạo từ “gấp 5 lần” xuống còn mức bồi hoàn 100% kinh phí đào tạo theo quy định của Chính phủ”.

Điều chỉnh chính sách đãi ngộ

Nghị quyết số 107 của HĐND TP.Đà Nẵng năm 2017 và Quyết định số 28 của UBND TP năm 2019 đã lần đầu tiên “định lượng” các hoạt động phát triển nhân tài khu vực công bằng văn bản quy phạm pháp luật. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận cũng như đảm bảo tính đồng bộ. “Khi có phát sinh về nhu cầu nhân lực, việc bổ sung được thực hiện trên cơ sở số lượng người làm việc được giao, yêu cầu vị trí việc làm cụ thể. Đáng chú ý, TP sẽ ưu tiên thu hút người đến làm việc. Việc của người đi đào tạo chỉ thực hiện trong trường hợp không thể thu hút”, ông Thơ thông tin.
Giải pháp mà TP.Đà Nẵng đang hướng đến là xây dựng và cải thiện môi trường làm việc, văn hóa công sở phù hợp với nền tảng hành chính hiện đại, thân thiện. Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động xây dựng cơ chế đánh giá thành tích trên cơ sở hiệu quả công việc, vị trí việc làm để tạo động lực, khích lệ sức sáng tạo của đối tượng thu hút và đào tạo. TP sẽ ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư; xây dựng chính sách tăng thêm...; tạo điều kiện để họ tham gia vào các chương trình, dự án lớn, qua đó tiến cử, lựa chọn bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp TP.
Tại buổi đối thoại với cán bộ là nguồn lực chất lượng cao vào tháng 6.2018, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, trong hợp đồng với học viên có cho thuê chung cư nhưng lại áp dụng chính sách chung của TP là không đúng. Do đó, cần nghiên cứu và điều chỉnh chính sách. “Số lượng chung cư cũng không còn nữa. Nếu có nhu cầu thật sự chính đáng thì tiếp tục xây dựng”, ông Thơ nói và cho biết TP sẽ dành lô đất 5.000 m2 làm khu chung cư cho “nhân tài”.

Chỉ cử đi nước ngoài đào tạo nếu phù hợp nhu cầu và quy hoạch

Học viên nêu những khó khăn với lãnh đạo TP

TP.Đà Nẵng xác định sẽ đẩy mạnh thu hút chuyên gia đầu ngành tham gia các dự án hoặc nhiệm vụ của TP; cẩn trọng, có chọn lọc trong việc thu hút người đến làm việc lâu dài, chọn người có năng lực, kinh nghiệm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng ngắn hạn và chuyên sâu mang tính ứng dụng cao. Đối với đào tạo sau ĐH, chỉ cử cán bộ đi đào tạo tại nước ngoài với điều kiện ngành nghề phù hợp với nhu cầu của TP và yêu cầu quy hoạch đào tạo cán bộ; ưu tiên tuyển dụng vào biên chế đối với các đối tượng và học viên đề án đang hợp đồng lao động.
Sau 16 năm (1998-2014) thực hiện chính sách thu hút nhân tài, TP đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp ĐH công lập, chính quy trở lên; trong số này đã có 300 người được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo. Tính đến cuối tháng 9.2019, TP cũng đã cử 613 người tham gia đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.